(HNM) - Ngày 5-4 tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) lần thứ nhất tại Hủa Hin (Thái Lan).
Sông Mê Công trước trận "đại hạn" lịch sử
Sông Mê Công dài 4.800km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng trên độ cao 5.000m. Lưu vực sông Mê Công có tổng diện tích 795.000km2 trải rộng trên lãnh thổ 6 quốc gia trong vùng gồm: Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, hạ lưu vực sông Mê Công (gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) chiếm 77% diện tích toàn khu vực, có nguồn tài nguyên phong phú và là nơi sinh sống của trên 65 triệu người.
Thế nhưng, sông Mê Công đang đứng trước nhiều thách thức như sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế nhanh, biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nước... đặc biệt là nguy cơ khô hạn và nhiễm mặn đang diễn ra ghê gớm ở vùng hạ lưu như hiện nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị lần này vừa diễn ra tại Hà Nội, Chánh Văn phòng MRC Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, chưa có căn cứ khẳng định những con đập trên thượng nguồn của Trung Quốc là nguyên nhân gây hạn hán ở hạ lưu sông Mê Công, bởi việc trao đổi thông tin liên quan giữa MRC với Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Vì thế, tại hội nghị lần này MRC rất hoan nghênh sự tham gia, hợp tác của Trung Quốc và Mianma.
Đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng sông Mê Công
Ngay trước thềm hội nghị, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp thông tin về mực nước sông Mê Công nhằm thúc đẩy những nỗ lực ứng phó với sự cạn kiệt đáng báo động của dòng sông này. Đây là tín hiệu hợp tác mới giữa Trung Quốc với các quốc gia ở hạ lưu, để cùng giải quyết những thách thức to lớn mà các nước ven bờ con sông này đang gặp phải như: an ninh lương thực, hạn hán và nhiễm mặn...
Việc đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sông Mê Công đang đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Hội nghị lần này là dịp đánh giá quá trình 15 năm hợp tác; đồng thời đề ra định hướng cho sự phát triển của MRC về quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công vì lợi ích chung của các nước trong lưu vực. Sự kiện này một lần nữa khẳng định cam kết cấp cao của các nước thành viên MRC trong thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo dự định thông qua Tuyên bố Hủa Hin của MRC "Đáp ứng các nhu cầu, duy trì sự cân bằng: Vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công". Các nhà lãnh đạo MRC cũng sẽ tái khẳng định cam kết hợp tác thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995, xây dựng một MRC hiệu quả cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đặc biệt với Trung Quốc và Mianma để có giải pháp hài hòa nhất ứng xử với dòng sông này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.