Đập thủy điện sông Tranh 2 bảo đảm an toàn ở mực nước thiết kế 175 m”
Đập thủy điện Sông Tranh 2. - Ảnh: VGP |
Theo thông tin công bố trong cuộc họp báo diễn ra sáng 28/9 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, sau khi tích nước đợt 2 vào tháng 10/2011, công trình xảy ra hiện tượng thấm nước qua thân đập với lưu lượng lớn.
Để chống thấm, chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát, đánh giá và lập phương án xử lý thấm. Công việc này bắt đầu từ tháng 6/2012.
Đến ngày 24/8, công tác xử lý chống thấm kết thúc, ở mực nước hồ 144m, tổng lưu lượng thấm còn 3,23 lít/ giây, trong đó bao gồm cả lưu lượng thấm qua nền là 3,19 lít/giây, giảm 89,4% so với tổng lượng thấm trước khi xử lý chống thấm. Đến ngày 27/9, lượng nước rò rỉ qua đập ở mức 2,02 lít/giây.
Thông tin công bố tại cuộc họp cho biết hồ sơ thiết kế xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thẩm định, phê duyệt tuân thủ các quy định hiện hành. Riêng kháng chấn, ở giai đoạn lập dự án, Viện Vật lý địa cầu đã tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động nguy hiểm động đất ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 và nghiên cứu các đứt gãy có thể phát sinh động đất trong khu vực. Sau khi nghiên cứu, phân tích đặc điểm địa hình, địa mạo, mạng lưới đứt gãy trong khu vực, Viện Vật lý địa cầu đã có kết luận là động đất cực đại xảy ra ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 là cấp 7 (MSK64) và gia tốc cực đại amax = 150cm/s2. Tư vấn thiết kế đã sử dụng số liệu này để thiết kế.
Báo cáo cũng cho biết: “Ở bước thiết kế kỹ thuật, Viện Vật lý địa cầu đã tiếp tục thực hiện đánh giá thông số động đất thiết kế công trình Thủy điện Sông Tranh 2. Xét tính chất quan trọng của công trình, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị động đất thiết kế lấy bằng động đất ứng với chu kỳ lặp 4.750 năm là cấp 7 (MSK64) và amax= 150cm/s2”.
Công trình xây dựng bằng bê tông đầm lăn (RCC), thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng xuất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập.
Tuy nhiên, chất lượng thi công xây dựng các khe nhiệt chưa được đảm bảo, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ. Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ trong quá trình thi công xây dựng, một số thiết bị hư hỏng chưa kịp thời khắc phục. Việc này ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát.
Đập Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn, ổn định
Để kiểm tra, khắc phục, đơn vị tư vấn AF-Conlenco (Thụy Sỹ) đã kiểm tra hiện trường, chỉ định vị trí khoan vào thân đập để lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra phục vụ tính toán.
Theo kết luận của đơn vị tư vấn độc lập AF Colenco, đập Thủy điện sông Tranh 2 được thiết kế đúng với tiêu chuẩn áp dụng cho dự án; đập làm việc an toàn, ổn định; tư vấn độc lập không phát hiện vết nứt ở mặt thượng lưu và hạ lưu thân đập, không có vết nứt ở kết cấu phụ, trên đỉnh đập và bản thân đập khi kiểm tra hiện trường.
Các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng thống nhất với kết luận của tư vấn độc lập AF-Colenco ở trên. Đồng thời khẳng định, đập Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150cm/s2. Đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220cm/s2 và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắc, nền đập bị nứt hoàn toàn.
Liên quan đến vấn đề động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 sau khi tích nước hồ chứa, Viện Vật lý địa cầu khẳng định động đất xảy ra ở Bắc Trà My là động đất kích thích liên quan tới tích nước hồ Thủy điện Sông Tranh 2; các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đã xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My đều không vượt quá cấp 6 và kéo dài theo phương Tây Bắc- Đông Nam, bao gồm cả khu vực đập thủy điện.
Dự báo thời gian tới, khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn, nhưng khó có thể vượt quá giá trị động đất cực đại đã đánh giá là 5,5 độ richter.
Tại cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan đến an toàn, ổn định đập Thủy điện Sông Tranh 2, hiện tượng động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 cũng được đặt ra.
Đại diện EVN thừa nhận, do thi công các khe nhiệt chưa được đảm bảo dẫn tới rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2. Đây là trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng và tổ chức giám sát. Hiện EVN đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát thiệt hại do động đất tại Bắc Trà My để có phương án hỗ trợ cụ thể, kịp thời cho các công trình bị hư hỏng.
Liên quan đến vấn đề có hay không nghiên cứu động đất kích thích trước khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (đơn vị tư vấn thiết kế công trình) cho biết, năm 2005, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề động đất kích thích. Trong giai đoạn đó, đơn vị này có sử dụng các nghiên cứu từ quốc tế và căn cứ theo 3 tiêu chí đó là hồ chứa có dung tích hơn 1 tỷ m3 nước, với chiều cao áp lực liên hồ lớn hơn 90m, và có đường đứt gãy kiến tạo, nhưng không nghiên cứu đến vấn đề động đất kích thích cho Sông Tranh 2. Tuy nhiên, sau khi tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra hiện tượng động đất kích thích, cho nên, vấn đề này cần nghiên cứu kỹ hơn trong thời gian tới.
“Tới mùa lũ, đập Sông Tranh 2 nếu đạt 161m thì lượng nước thấm qua đập theo tính toán vào khoảng 10 lít/ giây, đạt yêu cầu. Với cao trình này, đập Sông Tranh 2 còn chịu được trận động đất cấp 9, tức là gia tốc nền amax= 350cm/s2, thân đập vẫn an toàn”, ông Nguyễn Tài Sơn cho hay.
Về cơ sở để xác định giá trị động đất cực đại tại thủy điện Sông Tranh 2, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu lý giải: “Đối với Thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi đã khảo sát toàn bộ khu vực và xác định các điểm đứt gãy, xác định các nguồn phát sinh động đất cùng với các tài liệu nghiên cứu đã công bố và kết quả nghiên cứu của Viện từ trước đến nay để làm cơ sở xác định động đất cực đại có thể xảy ra tại khu vực Sông Tranh 2 là 5,5 độ richter. Trường hợp tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra động đất vượt quá giá trị cực đại 5,5 độ richter, tức là động đất cấp 7 (MSK64) và amax= 150cm/s2” là rất nhỏ, ứng với chu kỳ hơn 4.750 năm mới lặp lại một lần”.
Trả lời báo chí về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số công trình thủy điện khác nhau tại Quảng Nam, nhưng lại tương đối giống nhau, ông Nguyễn Tài Sơn nói thêm đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi các công trình thủy điện này nằm đều trong phạm vi nhỏ, giới hạn nghiên cứu địa chất, địa mạo trong phạm vi hẹp.
Theo chinhphu.vn
“Đập thủy điện sông Tranh 2 bảo đảm an toàn ở mực nước thiết kế 175 m” (HNM) – Đó là khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, trước hơn 100 phóng viên có mặt trong cuộc họp báo do Hội đồng này phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi, sáng 27-9. GS.TSKH Liên cho biết, sau khi xử lý thấm, ở mực nước hồ 144 m, tổng lưu lượng thấm còn 3,23 lít/giây, trong đó bao gồm cả lưu lượng thấm qua nền là 3,19 lít/giây, giảm 89,4% so với tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý chống thấm. Như vậy, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt. Vì tính chất quan trọng của công trình, Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị động đất thiết kế lấy bằng động đất ứng với chu kỳ lặp 4750 năm là cấp 7 (MSK64) và gia tốc nền cực đại là 150 cm/s2. Theo GS. TSKH Liên, hồ sơ thiết kế công trình thủy điện sông Tranh 2 đã được thẩm định, phê duyệt tuân thủ các quy định hiện hành. Đồng thời, chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập. Đặc biệt, GS. TSKH Liên cho biết, qua đánh giá của tư vấn độc lập Công ty AF-Colenco (Thụy Sỹ) và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, đập Thủy điện sông Tranh 2 bảo đảm an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150 cm/s2. Thậm chí, đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220 cm/s2 và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắc và nền đập bị nứt hoàn toàn. Đức Trường(từ Tam Kỳ, Quảng Ngãi) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.