(HNM) - 20.000 lượt doanh nghiệp (DN), với hơn 130 nghìn hóa đơn được xác định có dấu hiệu bất hợp pháp đã được Cục Thuế TP Hà Nội phát hiện. Tổng số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) của những hóa đơn có dấu hiệu vi phạm này ước tính trên 400 tỷ đồng.
Sau khi được cảnh báo, nhiều DN đã tự điều chỉnh và nộp lại ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 200 tỷ đồng tiền thuế. Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ sử dụng công nghệ thông tin trong đối chiếu hóa đơn, phát hiện kịp thời hóa đơn của DN "ma", qua đó ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Ngành thuế Hà Nội sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ nhằm chống gian lận thuế. Ảnh: Trần Hải |
Phát hiện nhiều vụ gian lận tinh vi
Thông qua kiểm tra hồ sơ DN kê khai tại cơ quan thuế, Chi cục Thuế huyện Đông Anh đã phát hiện một số DN sai phạm trong quá trình thực thi chính sách thuế và chuyển hồ sơ sang Công an huyện Đông Anh điều tra dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Sau thời gian phối hợp điều tra, Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trịnh Thị Lợi và Phạm Thị Phượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013, bị can Trịnh Thị Lợi đã mua 16 hóa đơn GTGT liên 2 của một DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, để hợp thức hàng hóa đầu vào (do mua trôi nổi không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc), kê khai khấu trừ thuế GTGT cho Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất nội thất Vạn Lợi (xã Liên Hà), với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng. Số thuế GTGT hơn 780 triệu đồng đã được cơ quan thuế khấu trừ cho công ty này.
Ông Nguyễn Công Hưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đông Anh cho biết, sau khi phát hiện dấu hiệu sai phạm đã mời DN này tới làm việc nhưng DN bất hợp tác… Song, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế - cảnh sát điều tra, vụ vi phạm đã được xử lý nghiêm theo quy định.
Trước khi phát hiện vụ vi phạm tại Công ty Vạn Lợi, vào trung tuần tháng 5, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phát hiện, điều tra Công ty cổ phần Mỏ Việt Bắc (trước đây là Chi nhánh Tổng công ty Mỏ Việt Bắc) thành lập 8 công ty "ma" trên địa bàn Hà Nội để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn trái phép, nâng khống giá trị hàng hóa chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Các công ty "ma" này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Song, liên 1 và 3 dùng để khai thuế, chỉ ghi giá trị thấp, đồng thời mua hóa đơn trôi nổi hợp thức hóa hàng hóa đầu vào. Ước tính, tổng số tiền thuế do các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Ứng dụng công nghệ để phát hiện sớm sai phạm
Nhận xét các vụ gian lận hóa đơn trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây, ông Viên Viết Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, hành vi gian lận thuế thông qua việc mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép đang diễn ra với thủ đoạn ngày một phức tạp, tinh vi, gây thất thu NSNN và bất bình trong xã hội. Từ năm 2013, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) xây dựng ứng dụng đối chiếu hóa đơn, cho phép kiểm tra đối chiếu hóa đơn để quản lý và cảnh báo sớm cho DN. Đồng thời, Cục đã xây dựng hệ thống công cụ tra cứu hóa đơn, tổng hợp danh sách các hóa đơn do DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh phát hành (hóa đơn bất hợp pháp), cập nhật, phục vụ cho thanh tra, kiểm tra thuế. Đơn vị cũng thành lập tổ "đặc nhiệm" chống vi phạm hóa đơn, nhằm nghiên cứu các hành vi sai phạm, từ đó tập huấn nội dung kiểm soát hóa đơn đến cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế. Qua đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã xây dựng nguyên tắc, quy trình xử lý thống nhất các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và quán triệt trong toàn ngành.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, điều tra, làm rõ những vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Nhưng quan trọng hơn cả, Cục đã tuyên truyền, hỗ trợ, giúp cộng đồng DN hiểu, thực hiện các biện pháp quản trị, hạn chế sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật và thậm chí bị chiếm đoạt tiền mà không biết. Bằng ứng dụng đối chiếu hóa đơn, Cục Thuế TP Hà Nội đã phát hiện và thông báo, cảnh báo đến trên 20.000 lượt DN với trên 130.000 số hóa đơn được xác định là có dấu hiệu bất hợp pháp, với số tiền thuế GTGT hơn 400 tỷ đồng. Đến nay, các DN được thông báo đã tự điều chỉnh trên 200 tỷ đồng tiền thuế GTGT vào NSNN.
Những vụ vi phạm về hóa đơn được xử lý nghiêm minh thời gian qua sẽ là hồi chuông cảnh báo sớm đến các DN về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Nỗ lực của cơ quan thuế không chỉ có tác dụng ngăn ngừa việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp, mà còn hỗ trợ DN quản trị kinh doanh, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật mà không hay biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.