(HNM) - Thông qua các hội chợ thương mại nông sản, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và cả nước có thêm cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, đặc biệt là quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn, từ các sự kiện này, người sản xuất, tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà quản lý có được sợi dây kết nối để cùng hướng đến sự phát triển bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Tháng 10 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn AEON - Việt Nam tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ của tập đoàn này. Hội chợ đã thu hút 72 doanh nghiệp với 80 gian hàng đến từ 15 tỉnh, thành phố. Tổng doanh thu từ hội chợ đạt khoảng 6 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ: Qua 4 ngày diễn ra hội chợ (từ ngày 10 đến 13-10), công ty đã bán được gần 500 triệu đồng tiền hàng. Nhưng quan trọng hơn, công ty đã ký kết được hợp đồng với đối tác Đài Loan (Trung Quốc) và liên kết được với một số đại lý phân phối, bán lẻ các sản phẩm chiết xuất từ cây ổi.
Tương tự, hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2019 (diễn ra trong tháng 10 vừa qua do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ NN&PTNT tổ chức) cũng là dịp để các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản có thêm cơ hội liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ thu hút gần 200 doanh nghiệp phân phối và sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Qua thời gian diễn ra hội chợ (từ ngày 8 đến 10-10-2019), nhiều hợp đồng kết nối trong sản xuất, tiêu thụ đã được ký kết.
Cụ thể, theo thông tin của Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, tham gia hội chợ thủy sản tại Hà Nội, công ty đã ký kết tiêu thụ một số mặt hàng tôm, chả mực… với một số đơn vị sản xuất tại Quảng Ninh, Nghệ An…
Không chỉ giới hạn ở các hội chợ trong nước, những năm qua, Hà Nội đã thông qua các hội chợ tại nhiều quốc gia để thúc đẩy giao thương, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp của Thủ đô. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Thông qua hội chợ Saitex 2019 tại Nam Phi, các doanh nghiệp thành phố đã kết nối với hơn 200 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Nam Phi và Mozambique. Trong đó, Công ty TNHH Panoramas ký hợp đồng cung cấp 100 tấn gạo cho một doanh nghiệp của Nam Phi.
Hay tại Tuần lễ nông sản Việt Nam tại chợ đầu mối Rungis - Paris, sản phẩm dừa Hamona đã được đối tác đàm phán phân phối tại thị trường Pháp.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hằng năm, trung tâm tổ chức từ 10 đến 15 hội chợ thương mại nông sản nhằm giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chưa kể, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia các hội chợ vùng miền, hội chợ do địa phương tổ chức tại các tỉnh, thành phố.
Riêng với Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ: Cùng với các hội chợ thương mại nông sản do Bộ NN&PTNT tổ chức, hằng năm, trung tâm tổ chức và tham gia từ 10 đến 15 hội chợ nông sản trong và ngoài nước.
Để phát huy đúng vai trò...
Hiệu quả của hội chợ thương mại nông sản đã rõ, tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TNHH Panoramas Lâm Lệ Chi, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia hội chợ chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa cũng như vai trò của hội chợ, còn nặng tâm lý mua bán, chưa quan tâm đúng mức đến các cơ hội đầu tư.
Do vậy, để các hội chợ thương mại nông sản phát huy đúng vai trò là cầu nối, ngoài việc lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì cũng cần lựa chọn đơn vị có chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững với những mục tiêu cụ thể.
Ngoài ra, để tham gia được các hội chợ quốc tế, quốc gia..., doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về kinh phí cũng như sự kết nối của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát những nông sản tiêu biểu, chủ lực… để liên kết tổ chức các hội chợ theo chủ đề, nhóm hàng, ngành hàng.
Đồng thời kiến nghị, đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động hội chợ… Ngoài những hội chợ trong nước, sẽ mở rộng hơn nữa các hội chợ nông sản quốc tế để quảng bá nông sản Thủ đô và các tỉnh, thành phố ra thị trường thế giới, giúp các doanh nghiệp, người sản xuất xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Fukui Tomoaki, Tổng Quản lý cấp cao của Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam, thuộc Tập đoàn AEON cho rằng: Các doanh nghiệp khi tham gia hội chợ, ngoài lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu cũng cần có phương án thiết kế và trang trí gian hàng để làm nên những không gian đẹp, mang bản sắc riêng, tạo cho khách hàng, nhà đầu tư về hình ảnh một đơn vị giàu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá tại hội chợ phải được đầu tư một cách bài bản và chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị chu đáo từ sản phẩm mẫu trưng bày đến thông tin giới thiệu…
Việc tổ chức các hội chợ thương mại nông sản thời gian qua đã khẳng định rõ hiệu quả, cho thấy đây là một kênh quan trọng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.