Để chống gian lận thi cử và tạo thói quen nghiêm túc, trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, hàng trăm học sinh của trường THPT An Dương Vương, quận Tân Phú, TPHCM được bố trí làm bài thi ngay giữa sân trường với một chiếc bàn nhỏ ngồi cách nhau cả mét.
Trường học cho học sinh thi giữa sân trường để chống gian lận. |
Những hình ảnh về hình thức thi mới mẻ này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng chỉ sau ít giờ xuất hiện trên Facebook (trưa 25/12).
Học sinh lều chõng đi thi
Các em học sinh được bố trí mỗi em một chiếc bàn và một chiếc ghế nhựa ngồi cách nhau 1,5- 2m với 5 hàng dọc tạo thành hàng dài trải dọc khắp sân trường.
Trên mỗi bàn thi, ngoài các dụng cụ học tập như viết, thước kẻ, tẩy, giấy làm bài thi và đề thi, học sinh không được sử dụng bất cứ thứ gì, ở mỗi khu vực còn có các giám thị đứng quan sát.
Ngay khi đưa lên mạng xã hội, những hình ảnh này nhanh chóng thu hút một lượng like lớn kèm những bình luận hóm hỉnh. Chẳng hạn như: “Sao trường mình ngày xưa không được thi kiểu này nhỉ. Hay thật”, một thành viên mạng chia sẻ, hay như bạn D.M.H bình luận: “Vừa ngồi vừa hát Trang giấy trắng đâu thể mở đi từng màu buồn của nắng”; Nhằm mình thì có 2 kế để hack gồm 1 là ghi chữ lên bàn, 2 là để điện thoại nơi T-rym, 3 là Trang giấy trắng…
Tuy nhiên, cũng có không ít người băn khoăn việc tổ chức trên có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của các em học sinh và khiến giám thị phải rất vất vả mới có thể giám sát quá trình làm bài thi của các học sinh.
“Thi thế này mới phản ánh đúng chất lượng... cơ mà tội các em trời mà nắng thì... mà cũng khổ giám thị, đi 2 vòng chắc cũng hoa mắt”, thành viên T.T bày tỏ, còn một thành viên khác bình luận: “Chắc giám thị phải dùng đến xe đạp để đi phát đề mất thôi”...
Nhà trường nói gì?
Xác nhận với PV Tiền Phong, ông Trần Đức Thành, Hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương cho biết, đó là những bức ảnh của trường trong kỳ thi học kỳ I vừa qua. Ông Thành cho biết: “Những hình ảnh đó được chụp vào khoảng thời gian từ 6h45 phút đến 7h30 phút sáng ngày 18/12 trong buổi thi của khối lớp 10 với sự tham dự của 140 em học sinh”.
Theo ông Thành: “Không chỉ thi học kỳ mà kể cả kiểm tra giữa kỳ, rồi kiểm tra 1 tiết nếu làm chung đề thì học sinh cũng sẽ được nhà trường tổ chức như vậy. Hình thức này đã được nhà trường áp dụng từ năm 2011 đến nay”.
Lý giải về nguyên do tổ chức hình thức thi trên, ông Thành nói: “Thứ nhất, thi như vậy sẽ làm cho học sinh có thêm động lực để học tập, thứ hai là giúp nhà trường biết được học lực của các em cũng như năng lực của giáo viên, từ đó có phương pháp điều chỉnh. Thứ ba là giúp phụ huynh biết được điểm số thực chất của con em mình và thứ tư là tạo sự công bằng, rèn luyện học sinh tính tự giác, nghiêm túc trong thi cử…”.
Cũng theo ông Thành, nhờ thi như vậy mà các em học sinh đã tự giác hơn rất nhiều trong việc học, qua đó, tỷ lệ đậu tốt nghiệp, đậu đại học và số lượng thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng tăng. “Chẳng hạn như năm 2011, tỷ lệ đậu đại học chỉ 50% nhưng đến năm 2015, tỷ lệ này là 97%...”, ông Thành ví dụ.
Ông Thành cũng thông tin thêm: “Hình thức thi này đến nay đang được học sinh cũng như phụ huynh rất hưởng ứng nên chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.