Tại Hà Nội, sáng 14-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì tọa đàm “Độc lập tư pháp và một số vấn đề cải cách tư pháp”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, các ý kiến thảo luận của đại biểu đã thống nhất cao về quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, quyền sử dụng quyền lực nhà nước để phán quyết các vấn đề liên quan về quyền con người. Đồng thời nhấn mạnh, phải khẳng định Tòa án là cơ quan tư pháp, các cơ quan khác là tham gia hoạt động tư pháp hoặc tham gia vào quá trình Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Về việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, theo đồng chí Phan Đình Trạc, các đại biểu đều thống nhất cao có thể triển khai trước năm 2030. Đối với việc tổ chức Tòa án bảo đảm tính độc lập, sẽ tổ chức Tòa án theo các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
* Cũng trong ngày 14-5, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã dẫn đầu Đoàn công tác đến Bệnh viện trung ương Huế thăm hỏi bệnh nhân, nhân dân khám bệnh tại bệnh viện; dự lễ ra quân hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022 - Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng, với tinh thần sáng tạo, xung kích, tình nguyện, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2022 - Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19” sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Hành trình sẽ diễn ra từ ngày 14-5 đến hết năm 2022. Dự kiến có 20.000 thầy thuốc trẻ tham gia trực tiếp và trực tuyến; 100.000 người dân được tư vấn, khám bệnh.
* Cùng ngày, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội và các thành viên Ủy ban quan tâm các nội dung trọng tâm tại phiên họp. Theo đó, đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cần tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ các đường lối, chính sách được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành. Đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cần tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, bảo đảm bao quát các trường hợp bạo lực trong gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.