Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động chăn nuôi, thú y: Nỗi lo dịch bệnh, rớt giá

Ngọc Quỳnh| 27/08/2014 07:41

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi trong cả nước gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh phát sinh nhiều, giá gia súc gia cầm (GSGC) liên tục giảm, nhiều hộ phải treo chuồng. Đặc biệt, sự xuất hiện của chủng vi rút cúm A/H5N6 ở một số tỉnh, thành phố hiện nay đã làm cho tình hình dịch bệnh trở nên

Cung vượt cầu và tiềm ẩn dịch bệnh

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, tổng đàn và sản lượng thịt trong 8 tháng vẫn tăng, nhưng trong tháng qua chăn nuôi cả nước gặp khó khăn, giá liên tục giảm từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc nhập khẩu thịt nhiều cũng đã ảnh hưởng tới tình hình chăn nuôi trong nước. Từ đầu năm đến nay cả nước đã nhập 1.914 tấn thịt lợn, tăng 9,4%; 51.005 tấn thịt gà, tăng 22,2%; 150.479 con trâu, bò sống, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây), 8 tháng nay, giá thịt GSGC liên tục giảm mạnh, có thời điểm trang trại nuôi 1.000 con gia cầm lỗ hàng chục triệu đồng, khiến cho nhiều hộ phải chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.

Chăm sóc đàn gia cầm trong một trang trại tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trần Việt



Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành, dịch cúm gia cầm xảy ra ở 155 xã, phường, 90 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố, số gia cầm mắc bệnh là 211.573 con. Trong thời gian gần đây, Cục Thú y đã phát hiện vi rút cúm A/H5N6 trên một đàn gà (80 con) 10 tháng tuổi ở tỉnh Lạng Sơn, một đàn vịt 1.900 con ở tỉnh Hà Tĩnh và một đàn chim trĩ đỏ (558 con) hơn hai năm tuổi ở tỉnh Lào Cai. Mặc dù, các mẫu giám sát những đàn gia cầm nuôi xung quanh các hộ có dịch đều âm tính với vi rút A/H5N6, song nguồn lây nhiễm chủng vi rút cúm này vào Việt Nam theo đường vận chuyển gia cầm nhập lậu hoặc qua chim hoang dã là rất cao. Về dịch lở mồm long móng, cả nước đã xuất hiện 54 ổ dịch tại 54 xã thuộc 22 huyện, thị xã của 10 tỉnh, thành phố làm 2.421 con gia súc mắc bệnh... Nguyên nhân xảy ra dịch là do gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển bất hợp pháp qua biên giới vào trong nước tiêu thụ; tỷ lệ tiêm phòng chưa bảo đảm...

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh


Từ nay đến cuối năm 2014, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, chính sách cho giết mổ và chú trọng việc xây dựng, thành lập vùng, khu vực an toàn dịch bệnh, rà soát lại hệ thống các dịch vụ chăn nuôi - thú y để có chính sách phù hợp. Đối với việc phòng, chống dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã dự phòng vắc xin cúm gia cầm A/H5N1, vắc xin tai xanh để hỗ trợ các địa phương bao vây khẩn cấp các ổ dịch. Hiện lượng vắc xin cúm chưa sử dụng là 12,5 triệu liều và Cục Thú y mua dự phòng thêm 30 triệu liều vắc xin A/H5N1; vắc xin tai xanh dự phòng còn lại 470 nghìn liều. Các đơn vị cần thường xuyên đánh giá hiệu lực vắc xin và xây dựng bản đồ dịch tễ công khai khu vực lưu hành các chủng vi rút và hiệu lực các loại vắc xin sử dụng để tiêm phòng, định hướng cho các địa phương tổ chức phòng chống dịch có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay yếu kém nhất của ngành chăn nuôi là tình hình cung - cầu và phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh đề án tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi theo vùng, chuỗi giá trị ngành hàng. Ngành chăn nuôi cần quan tâm tới giá cả thị trường, vấn đề cung cầu để bảo đảm có lãi cho nông dân. Ngoài ra, cần hướng tới thị trường xuất khẩu thực phẩm sang các nước để tăng lợi nhuận. Từ nay đến cuối năm 2014, nông dân sẽ tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, trong khi đó thời tiết diễn biến bất thường, các đơn vị của ngành và các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển GSGC lưu thông trong nước, nhất là ở các cửa khẩu, khu vực biên giới để ngăn chặn việc đưa GSGC không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng nguồn bệnh vào nội địa...

Hiện đàn lợn cả nước có 26,4 triệu con, tăng 0,3%; đàn gia cầm 314,4 triệu con, tăng 0,7%; đàn trâu 2,6 triệu con, giảm 0,6%; đàn bò 5,2 triệu con, tăng 0,7%; đàn bò sữa trên 2 triệu con, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thịt lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, tăng 1,7%; thịt gia cầm 442,8 nghìn tấn, tăng 0,6%; trứng gia cầm 4,5 tỷ quả, tăng 5,5%; sản lượng sữa bò đạt 265,4 nghìn tấn, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội, tính đến tháng 8-2014, tổng đàn bò toàn thành phố là 142.995 con; đàn bò sữa 14.057 con; trâu 23.910 con; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm 24 triệu con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động chăn nuôi, thú y: Nỗi lo dịch bệnh, rớt giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.