Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện thể chế để phát triển nhanh, bền vững

Hồng Sơn| 15/01/2021 06:20

(HNM) - Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta tiếp tục từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi, từ đó đất nước thu được thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong giai đoạn tới, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một yêu cầu quan trọng đang đặt ra.

Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm nội địa cả nước tăng trung bình 5,9%/năm. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tại Nhà máy Sản xuất thiết bị điện công nghệ cao Á Châu  (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Nhật Nam

Dấu ấn toàn diện

Đánh giá về kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên". 

Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi. Hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Thị trường vốn phát triển mạnh, trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển khá đa dạng về loại hình. Thị trường khoa học - công nghệ hình thành, từng bước phát huy hiệu quả. Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy dịch chuyển lao động giữa các ngành, khu vực của nền kinh tế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), trên cơ sở nhận thức kinh tế thị trường là thành quả chung trong sự phát triển của xã hội loài người, chúng ta đã tìm cách khắc phục những “khuyết tật” của kinh tế thị trường và hướng những thành quả của nó tới người lao động. 

Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trung bình 5,9%/năm. Đặc biệt, năm 2020, dù phải đối diện với nhiều thách thức, bất lợi từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế 2,91%. Quy mô GDP Việt Nam hiện lên tới gần 270 tỷ USD và thu nhập bình quân đạt 2.750 USD/người. Bên cạnh đó, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; được đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục...  

Còn theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, một biểu hiện quan trọng của việc vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự ủng hộ, coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Hiện, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 42% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp đã tạo thêm niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp tham gia kiến tạo đất nước. Chưa bao giờ, ước mơ khởi nghiệp, kinh doanh và đóng góp cho xã hội được nâng lên đúng tầm như hiện nay.

Khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, chưa ổn định. Thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh yếu, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Một số thị trường chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học - công nghệ…

Do vậy, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung lớn trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm (2021-2025) đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Đồng tình với nội dung trên, các chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch. Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường… Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, Nhà nước tôn trọng nguyên tắc thị trường, nhưng sự điều tiết của Nhà nước phải hướng đến khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường. Do đó, Nhà nước cần thay đổi và nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc tạo điều kiện phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, khu vực tư nhân, bảo vệ tài sản, sở hữu của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu quả và năng lực quản trị nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế để phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.