Công nghệ

Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy khoa học, công nghệ

Thu Hằng 02/07/2024 - 06:52

Việc xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ trong năm 2024.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ với nhiều điểm mới, đột phá để trở thành công cụ hữu hiệu, hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

khcn.jpg
Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, tháng 6-2024.

Sửa đổi toàn diện

Sau 10 năm triển khai Luật Khoa học và Công nghệ, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi Luật Khoa học và Công nghệ cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Trần Minh cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp không quan tâm hoặc e ngại khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Nguyên nhân không nhỏ đến từ các quy định trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện nay. Cụ thể, thời gian xem xét, phê duyệt kế hoạch cho đến khi triển khai kéo dài, đôi khi làm mất tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Quy trình, thủ tục tham gia thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng, phê duyệt phương án tài chính. Thủ tục thanh quyết toán phức tạp. Chưa kể, vướng mắc trong khâu xác định giá trị tài sản và xử lý tài sản...

Một trong những nhóm vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hiện nay là đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu đãi về thuế; nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài đút ngăn kéo”...

Chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, việc sửa đổi, xây dựng chính sách mới cần tập trung vào vấn đề tài chính, đầu tư đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Để thúc đẩy doanh nghiệp hàng đầu phát triển thì nội dung chi cho khoa học công nghệ phải mở rộng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ vẫn nên duy trì Quỹ Phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp, tập đoàn có định hướng hoạt động trong dài hạn. Việc trích lập Quỹ nên dành cho doanh nghiệp lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ thì nên được tạo điều kiện giảm thuế trong việc sử dụng Quỹ.

“Luật nên có quy định Quỹ Phát triển khoa học công nghệ tập trung vào hoạt động có tính rủi ro cao, phát triển sản phẩm nền tảng, công nghệ mũi nhọn”, ông Nguyễn Quang Tuấn kiến nghị.

Cần bám sát thực tiễn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ là đạo luật gốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội nên lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng một dự án luật do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Trưởng ban. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ mà còn là một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 8 nhóm chính sách trong quá trình xây dựng Luật. Đó là: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đổi mới quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ; phát triển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với hiệu quả; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy bày tỏ, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng: Tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ mười (tháng 10-2025).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy khoa học, công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.