(HNMO) – Ngày 9-12, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và năm An toàn giao thông 2020.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị phía điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 5 năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực; ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đã từng bước được khắc phục. Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So cùng kỳ 5 năm trước (giai đoạn 2011-2015), giảm 70.085 vụ (giảm 42,71%), giảm 9.372 người chết (giảm 19,01%), giảm 90.628 người bị thương (giảm 53,91%)…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 5 năm qua đã có những chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua, số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và đây là lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, song công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải; một số địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao; tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về an toàn giao thông, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao năng lực cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Trong năm 2021, cần tập trung xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; Quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô; kinh doạnh vận tải bằng xe mô tô, xe gắn máy qua phần mềm; quy định về đầu tư xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông các cấp.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2;… Tiếp tục xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh…
Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm chính như: Điều khiển phương tiện khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma tuý; điều khiển phương tiện quá tốc độ; chở hàng hoá quá tải trọng; đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm;...
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trong toàn xã hội.
Thứ năm, tiếp tục đầu tư, phát triển hoàn thiện hệ thống cứu hộ tai nạn giao thông trong cả nước; quy hoạch và đầu tư xây dựng các trạm cấp cứu y tế trên mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ; đầu tư mua sắm, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cứu hỏa, công an cấp huyện phục vụ cứu hộ, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.