Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng: Cần cụ thể và chặt chẽ

Hà Vũ| 20/06/2022 06:15

(HNM) - Bài học kinh nghiệm hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng tại thành phố Hà Nội là phải thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc sao cho thật cụ thể, chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp ủy, tổ chức Đảng của thành phố.

Thực hiện Quy chế làm việc, lãnh đạo Huyện ủy Đông Anh kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại xã Vĩnh Ngọc. Ảnh: Thế Vĩnh

Bước đầu tiên, khâu chủ yếu

Gần một năm nay, cùng với các phường của thị xã Sơn Tây và 11 quận khác, 14 phường của quận Hoàng Mai đã nỗ lực triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Một trong những bước đầu tiên khi bắt tay vào thực hiện chủ trương quan trọng này là xây dựng quy chế làm việc của Đảng ủy, UBND phường.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, điều thuận lợi cho các địa phương là ngay khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ban Chấp hành Đảng bộ phường. Nhờ đó, quận triển khai rất nhanh, không lúng túng; sau khi có quy chế làm việc thì bộ máy mới của các phường hoạt động trôi chảy. Đây là nguyên nhân giúp quận Hoàng Mai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị năm 2021, trong đó kinh tế tăng trưởng 7,58% dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Tại huyện Hoài Đức, không chỉ chú trọng hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy còn chỉ đạo tăng cường hoàn thiện quy chế làm việc của các ngành, lĩnh vực. Đơn cử, cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác dân vận thông qua việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Trong khi đó, ở Mê Linh, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm cho biết, huyện chú trọng tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với các ban Đảng và Văn phòng Huyện ủy, các cơ quan khối nội chính...

Tại Long Biên, nhằm kiện toàn hệ thống chính trị ở tổ dân phố có nhà chung cư, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo các phường rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc tại 48 chi bộ và các chi hội, đoàn thể có nhà chung cư; trong đó, trọng tâm là quy chế phối hợp với Ban Quản trị nhà chung cư. Ông Lê Trung Kiên, chung cư CT20B, phường Giang Biên nhìn nhận: “Một khi xây dựng được quy chế làm việc cụ thể, chặt chẽ thì chắc chắn mọi hoạt động sẽ đi vào nền nếp”.

Phường Long Biên (quận Long Biên) tổ chức lấy ý kiến góp ý về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Ảnh: Nguyễn Đức Hà

Mấu chốt bảo đảm hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo

Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng. Mới đây, khảo sát tình hình đổi mới phương thức lãnh đạo tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá: “Thành ủy Hà Nội làm rất tốt việc xây dựng và thực hiện các quy chế làm việc; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vừa bảo đảm có nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo theo tình hình để bảo đảm tính hiệu quả”.

Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác đối với các cấp ủy trực thuộc thông qua quy chế làm việc, nghị quyết và chương trình công tác toàn khóa và hằng năm. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy chế làm việc, quy trình công tác, Thành ủy đã kịp thời sửa đổi quy chế làm việc theo đúng Quy chế mẫu của Ban Bí thư và các quy định của Trung ương phù hợp với thực tiễn của Đảng bộ; đồng thời chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy kịp thời sửa đổi quy chế theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 22 quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với các tổ chức Đảng có liên quan trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cho biết, một trong những nội dung kiểm tra, giám sát đầu tiên và hàng đầu đối với các cấp ủy được xác định trong năm 2022 là về quy chế làm việc.

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội... Cùng với đó, quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, một trong những hạn chế còn tồn tại hiện nay là một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kịp thời rà soát, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định, quy trình công tác, chưa quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện các quy chế phối hợp...

Có thể nói, quy chế làm việc chặt chẽ là cơ sở quan trọng hàng đầu giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng. Ngược lại, quy chế làm việc không phù hợp mà không được sửa chữa, hoàn thiện kịp thời là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai phạm. Điều này đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực sự quan tâm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về hoàn thiện quy chế làm việc, tạo động lực nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng: Cần cụ thể và chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.