(HNM) - Theo Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, trước những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những đề xuất về việc hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Từ năm 2016, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) theo Luật BHXH. Đến hết tháng 9-2019, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 20.202 đơn vị sử dụng lao động. Kết quả phát hiện nhiều chủ sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm quyền lợi BHXH của người lao động.
BHXH Việt Nam đã yêu cầu người sử dụng lao động làm thủ tục tham gia bảo hiểm cho hơn 160.000 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian; số tiền yêu cầu truy thu đóng là 354 triệu đồng. Ngành đã ban hành 2.028 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 75 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian đó, toàn ngành BHXH đã chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại hơn 56.000 đơn vị, đã phát hiện nhiều sai sót, hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36,615 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT thanh toán chi phí không đúng quy định và đã kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 680 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành vẫn còn gặp một số khó khăn do chưa được giao thực hiện đầy đủ các chức năng. Luật BHXH 2014 đã quy định tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Vậy nhưng tổ chức BHXH lại chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở mức độ phát hiện sai sót, kiến nghị thu hồi và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, còn kết luận sau kiểm tra của cơ quan BHXH không được các đơn vị thực hiện nghiêm, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động thực hiện chế độ, chính sách của cơ quan BHXH.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bị xâm hại mà không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời. Hằng năm có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT kịp thời. Xuất phát từ thực tiễn trên, ngành BHXH đề xuất, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, đối với Luật BHXH, kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay.
Đối với Luật BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, thanh tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị bổ sung thẩm quyền, bổ sung trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.