Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn, đặc biệt là với mô hình cổ phần hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới 69/120 công ty nông nghiệp, đạt tỷ lệ 57,5%.
Đối với các công ty lâm nghiệp đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới 92/135 công ty, đạt tỷ lệ 68,15%.
Kết quả trên cho thấy việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp (cổ phần hóa, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, giải thể…) còn kéo dài, chậm tiến độ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất kinh doanh đã dần ổn định hơn. Đặc biệt với mô hình cổ phần hóa các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn trước khi chuyển đổi. Điển hình như Công ty cổ phần Chè Phong Hải, Công ty cổ phần Chè Thanh Bình thuộc tỉnh Lào Cai, Công ty TNHH một thành viên Nông công nghiệp Sông Hiếu thuộc tỉnh Nghệ An...
Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp một số đơn vị đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế hơn, hoạt động ổn định, bảo toàn được vốn chủ sở hữu, quản lý bảo vệ rừng tốt lên…
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát đất đai gắn với rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý và bàn giao về địa phương.
Đất đai cơ bản đang được đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau khi đo đạc, cắm mốc việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giảm hẳn…
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn chưa quan tâm, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, việc thực hiện phương án sắp xếp chậm hoặc chưa sát thực tế, chưa đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức sắp xếp đổi mới nên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, tiếp tục đề nghị thay đổi, điều chỉnh mô hình sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp.
Việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Nhiều công ty nông, lâm nghiệp thực hiện bán vườn cây hoặc khoán trắng dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp ở các địa phương còn chậm. Việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện cũng chậm, chủ yếu mới thực hiện bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa; diện tích đất bàn giao cho địa phương nhưng hiện trạng là đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.