Nông thôn mới

Hoàn thành thẩm định 7 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Chương Mỹ

Minh Phú 20/12/2023 18:37

Ngày 20-12, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội tiếp tục thẩm định các xã nông thôn mới nâng cao: Thụy Hương, Hoàng Diệu, Trần Phú, Hồng Phong (huyện Chương Mỹ).

hoang-dieu.jpeg
Hội nghị thẩm định nông thôn mới nâng cao tại xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ).

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn khẳng định: Với tinh thần xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn thông minh… Các xã của Hà Nội sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đều bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Để đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, yêu cầu các xã phải hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định. Ngoài ra, xã còn phải đáp ứng các tiêu chí bắt buộc khác, như: Đạt chuẩn về an ninh trật tự, không nợ đọng về xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao đáp ứng yêu cầu đặt ra…

thuy-huong.jpeg
Xã nông thôn mới nâng cao Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).

Thụy Hương là 1 trong 11 xã đầu tiên của cả nước làm điểm xây dựng nông thôn mới (từ năm 2010). Cán bộ và nhân dân xã chung sức cùng xây dựng nông thôn ngày một văn minh, giàu đẹp.

Xã Hoàng Diệu hiện có thu nhập bình quân đạt 71,6 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo. Xã có thế mạnh trồng rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng hàng hóa. Năm 2023, xã có 3 sản phẩm đánh giá OCOP và có 5 sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã vào cuộc hiến đất, góp công, góp của để làm đường, công trình phúc lợi công cộng với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

tran-phu.jpeg
Tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), bưởi trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.

Trần Phú trước đây là xã khó khăn của thành phố, giáp tỉnh Hòa Bình, trong đó có thôn Đồng Ké có đông đồng bào dân tộc miền núi. Trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân Trần Phú còn nhiều khó khăn, hạ tầng nông thôn thiếu thốn. Từ năm 2010 đến nay, xã đã huy động được gần 530 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách huyện và thành phố chiếm gần 80,5%; ngân sách xã chiếm hơn 5%, còn lại nhân dân đóng góp chiếm hơn 14%.

hong-phong.jpeg
Thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội kiểm tra thực tế các tiêu chí tại xã Hồng Phong.

Tại xã Hồng Phong, từ năm 2010 đến nay, địa phương đã huy động được gần 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Bí thư Chi bộ thôn Yên Cốc Đào Thị Nhịp cho biết, đầu năm, thôn tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ xã hội hóa đã lắp đặt điện chiếu sáng toàn thôn, wifi được phát miễn phí tại nhà văn hóa... Thôn mong muốn được tiếp tục đầu tư thêm hạ tầng, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy vậy, Đoàn thẩm định của thành phố đã chỉ ra những thiếu sót của xã trong việc chuẩn bị hồ sơ minh chứng công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện nhận khuyết điểm về những thiếu sót trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ xã chuẩn bị hồ sơ và cam kết với Đoàn công tác thẩm định tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình thành phố đánh giá, cho điểm các tiêu chí.

Như vậy, trong 2 ngày 19 và 20-12, tại huyện Chương Mỹ, Đoàn thẩm định thành phố đã hoàn thành thẩm định 6 xã nông thôn mới nâng cao là: Đại Yên, Trường Yên, Thụy Hương, Hoàng Diệu, Trần Phú, Hồng Phong và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu là Thủy Xuân Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành thẩm định 7 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Chương Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.