(HNM) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2013, bên cạnh việc tập trung ưu tiên cho xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Hoài Đức đã chọn dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại giao thông, thủy lợi làm khâu đột phá, trong đó đặc biệt tập trung đầu tư vào vùng đất bãi nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
Theo thống kê, chỉ trong 2 năm qua, Hoài Đức đã dành trên 1.300 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tạo nên sự thay đổi bộ mặt nông thôn, sản xuất ngày một phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ người/năm.
Hiện Yên Sở, xã điểm xây dựng NTM của huyện Hoài Đức đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Năm 2013, huyện Hoài Đức phấn đấu có thêm 7 xã khác đạt chuẩn NTM gồm An Khánh, La Phù, Đông La, Kim Chung, Minh Khai, Lại Yên và Di Trạch, 3 xã khác đạt 15 tiêu chí trở lên và 4 xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí. Bên cạnh đó, huyện cũng đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành bê tông hóa đường làng ngõ xóm và hạ tầng vùng dồn điền đổi thửa phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu năm 2013, huyện Hoài Đức đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh triển khai xây dựng hạ tầng theo tiêu chuẩn NTM. Từ tháng 12-2012 đến hết tháng 2-2013, toàn huyện đã bê tông hóa được 19 công trình giao thông thôn xóm với chiều dài trên 11km, 13 công trình thủy lợi nội đồng với chiều dài 8,5km.
Dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại sản xuất
Là huyện ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ trong hơn chục năm trở lại đây, Hoài Đức đã có trên 1.600ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, đất canh tác nông nghiệp hiện chỉ còn 1.200ha. Do đó, tập trung vào quy hoạch lại sản xuất, khai thác tối đa giá trị đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch số 63 về thực hiện dồn điền đổi thửa vùng đất bãi, trong đó tập trung chỉ đạo xã Đông La và Tiền Yên làm điểm. Đồng thời, yêu cầu tất cả các xã triển khai lập phương án dồn điền, đổi thửa và tổ chức thực hiện.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Đông Lao Phan Huy Chung cho hay, cả thôn có 172ha đất canh tác được chia thành vùng đồng và vùng bãi. Tuy nhiên, việc giao đất trước đây rất manh mún, không tập trung. 70ha vùng bãi được chia thành 3.900 thửa, 70% số hộ gia đình có từ 4 thửa đất trở lên, đa số các thửa có diện tích dưới 200m2. Diện tích nhỏ nên nhiều hộ gia đình không thể đầu tư để phát triển sản xuất. Thực hiện chủ trương của huyện, từ tháng 7-2012, Đảng ủy xã Đông La đã ra nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa, quy hoạch giao thông thủy lợi vùng đất bãi. Xã đã thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban ở các thôn. Theo Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Văn Mừng, nhờ được tuyên truyền sâu rộng, người dân đã đồng thuận cao. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn xã đã có gần 2.000 hộ hiến đất làm giao thông thủy lợi nội đồng với diện tích 88.938m2 (trong đó có 8 hộ hiến 230m2 đất thổ cư) và tham gia đóng góp ngày công lao động với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc quy hoạch đường giao thông gắn với thủy lợi, đã triển khai xây dựng được gần 10km đường giao thông vùng bãi để ô tô có thể vào tận ruộng thu mua nông sản.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Vương Duy Hướng, sau khi dồn điền đổi thửa, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương từng bước khôi phục, phát triển những giống cây đặc sản như bưởi Quế Dương, bưởi Diễn, nhãn muộn. Bên cạnh đó, mở rộng vùng trồng cây ăn quả mới có giá trị cao theo hướng chuyên canh như cây phật thủ, hoa cây cảnh, rau an toàn nâng cao giá trị thu nhập/ha canh tác, góp phần vào tăng thu nhập cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.