(HNMCT) - Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, tranh cổ động luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt. Đó là vị trí của “người chiến sĩ tuyến đầu” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động. Tinh thần xông pha “thần tốc” ấy vẫn được các họa sĩ vẽ tranh cổ động đương đại nuôi dưỡng trong cuộc sống hôm nay.
Những cuộc chiến “thần tốc” mới
Ngày 18-11 vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thời hạn nhận bài dự thi là ngày 31-12-2020.
Trước thông tin này, họa sĩ Trịnh Bá Quát phấn khởi chia sẻ: “Ngày 17-11 tôi đọc tin Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử là 23-5-2021. Ngày 18-11, Cục Văn hóa cơ sở đã phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về đề tài này. Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời đó. Thời gian từ khi phát động đến khi chốt nhận bài cũng chỉ hơn 1 tháng. Tuy gấp rút nhưng tôi biết chắc chắn lần phát động này cũng sẽ thành công như những lần trước bởi Cục đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức. Cục Văn hóa cơ sở đã nhắm tới lực lượng họa sĩ “nòng cốt”, gồm khoảng 20 - 30 họa sĩ thường xuyên vẽ tranh cổ động, vẽ nhiều và hay được giải. Lực lượng này sẽ tạo ra động lực, cái cớ để thu hút các họa sĩ trong cả nước”.
Trước đó, vào tháng 3-2020, Cục Văn hóa cơ sở đã có một cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 “cấp tốc” hiếm thấy trong lịch sử mỹ thuật nước nhà. Cuộc vận động đó chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 ngày, từ ngày 10 đến 15-3 đã nhận được 103 tranh tham gia của 23 họa sĩ trên toàn quốc với chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi tuyên truyền về phòng, chống dịch.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, yếu tố làm nên thành công của các cuộc vận động sáng tác “cấp tốc” chính là sự đoàn kết một lòng, phản ứng nhanh chóng của mọi lực lượng, đặc biệt là của các họa sĩ.
Sáng tác bằng tình yêu và trách nhiệm
Là một thể loại đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa, tranh cổ động có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Và đến nay, dù phong trào sáng tác tranh cổ động không còn sôi nổi như giai đoạn trước song tinh thần trách nhiệm trước những nhiệm vụ lớn của đất nước vẫn được thể hiện rõ trong sáng tác của những người theo đuổi loại hình hội họa này.
Họa sĩ Trịnh Bá Quát cho biết: “Chúng tôi sáng tác không phải vì giải thưởng, so với giải nhất 15 triệu đồng thì chúng tôi có thể làm việc khác hiệu quả hơn. Nhưng chúng tôi sáng tác vì sự tâm huyết, lòng say mê nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ cùng chung với các phương tiện khác để tuyên truyền hiệu quả về bầu cử”.
Đồng cảm với suy nghĩ này, họa sĩ lão thành Trần Duy Trúc chia sẻ: “Đây là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của người họa sĩ - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng như Bác Hồ đã nói. Tác phẩm tranh cổ động vẽ như thế nào để chuyển tải được ý nghĩa chính trị, chính sách của Đảng và Nhà nước, để cử tri cả nước hiểu được tầm quan trọng của cuộc bầu cử, qua đó tìm được những đại biểu xứng đáng...”.
Không chỉ có ý nghĩa to lớn trong công tác tuyên truyền, tranh cổ động còn là một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ với những nhiệm vụ chung của đất nước, vị trí nghệ thuật của các tác phẩm tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật hiện nay cũng cần phải được nhìn nhận đúng.
Họa sĩ Trần Duy Trúc bày tỏ: “Hầu hết các họa sĩ tham gia đều vững vàng về nghề nghiệp, các họa sĩ cao tuổi và họa sĩ trẻ đều có cách nhìn hấp dẫn người xem, không như suy nghĩ sai lầm của một số người là tranh cổ động không học cũng vẽ được. Bộ môn nghệ thuật nào thì cũng phải học, rèn luyện mới thành công. Tôi vẽ tranh cổ động từ thời chống đế quốc Mỹ, nhận thấy vẽ tranh cổ động thật khó, nó đòi hỏi nhiều ý tưởng, hình, màu, bố cục, chữ...”.
Họa sĩ Trịnh Bá Quát cũng cho rằng: “Tranh cổ động là một thể loại khó. Khó hơn nữa khi đề tài lặp đi lặp lại, ví dụ riêng về đề tài bầu cử thì đây là lần thứ 6 tôi tham gia sáng tác. Làm thế nào để tạo ra cái mới hấp dẫn, đó là điều rất khó”.
Việc đánh giá đúng vai trò, vị trí của tranh cổ động trong đời sống mỹ thuật hiện nay sẽ tạo ra động lực để khích lệ, động viên các họa sĩ tiếp tục giữ vững vị trí của “người chiến sĩ tiên phong”, với những trận “tốc chiến, tốc thắng” trong hoàn cảnh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.