Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ kịp thời ngư dân bám biển

Đỗ Tâm| 11/06/2014 06:14

(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân nhưng do nhiều nguyên nhân, hầu hết đều chưa phát huy được hiệu quả.



Thực tế đã khẳng định, việc có cơ chế tín dụng đặc thù để khuyến khích ngư dân bám biển vươn khơi là hết sức cấp bách và cần thiết. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng nghị định về chính sách ưu tiên hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện các chính sách tín dụng cho đánh bắt xa bờ và xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá với nhiều cơ chế mới và mức đầu tư lớn, mở ra vận hội mới cho ngư dân nói riêng và nghề cá Việt Nam nói chung. Những điểm đáng chú ý trong nội dung dự thảo nghị định là, về chính sách tín dụng, chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với hạn mức vay bằng 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới trong 10 năm; 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong 7 năm. Lãi suất vay tối đa 3%/năm (chưa bằng một nửa lãi suất huy động) với thời gian ân hạn một năm. Đặc biệt, ngư dân được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay. Ngoài ra, vốn vay lưu động cũng được điều chỉnh như: Hạn mức vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; tối thiểu 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Bên cạnh đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ...

Ngư dân sẽ được hỗ trợ kinh phí đóng tàu vỏ thép. Ảnh: Thu Giang


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất cho vay đến ngư dân là 5%, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ 2%. Ngoài ra, tất cả các con tàu đóng mới sẽ được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu, xem xét, có thể cho ngư dân vay với lãi suất 0%, thời hạn cho vay 10-15 năm (với những bảo đảm cần thiết), đủ để hỗ trợ cho ngư dân ra khơi bám biển, khai thác hải sản và hoàn trả các khoản vay. Tức là hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất một cách bền vững.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - đơn vị đầu tiên tham gia chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, để chương trình đi vào cuộc sống, bên cạnh sự chủ động, tự giác của ngư dân, Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển trọng yếu. Các cơ quan chức năng cũng cần phải tham khảo, lấy ý kiến ngư dân theo từng mục đích đánh bắt và dải công suất, đặc biệt là tàu sắt và vật liệu mới để ngư dân/chủ tàu lựa chọn phù hợp với năng lực và nhu cầu, bảo đảm phù hợp với tập quán, khả năng khai thác của ngư dân tại mỗi địa phương. Ngoài ra, có kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đồng bộ các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão, hệ thống cung cấp hậu cần, thông tin liên lạc cùng với việc phát triển đội tàu... để các ngân hàng thương mại tính toán, linh hoạt các hình thức cho vay; thực hiện truyền thông rộng rãi về chương trình, tăng cường liên kết... để bà con ngư dân thay đổi tập quán đánh bắt từ đơn lẻ sang tổ, đội/nhóm nhằm duy trì việc bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia hữu hiệu.

Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, giải quyết cả bài toán phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia. Dự thảo nghị định đã được thảo luận tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây và Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận yêu cầu đẩy nhanh việc hoàn chỉnh để ban hành trong tháng 6-2014 nhằm có khuôn khổ pháp lý thống nhất để triển khai có hiệu quả trong toàn quốc. Đây cũng là biện pháp hết sức phù hợp để ngư dân không phải vay nặng lãi khi ra khơi, góp phần phát triển ngành kinh tế biển mũi nhọn và động viên ngư dân kiên cường bám biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ kịp thời ngư dân bám biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.