(HNM) - Cùng với học sinh cả nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội đã bước vào năm học mới 2020-2021. Nâng bước cho các em tới trường là sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà hảo tâm… Nhờ đó, ước mơ hòa nhập, hướng đến tương lai tốt đẹp của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng rõ ràng, hiện hữu.
Niềm vui đón năm học mới
Sáng 5-9, trẻ em sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông) háo hức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Trong khoảnh khắc này, cháu Chu Minh H. vừa phấn chấn, vừa có chút lạ lẫm, lo lắng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thục Ninh, Giám đốc trung tâm cho hay, cháu H. vừa được đón về trung tâm, nên chưa quen ngay với cuộc sống mới. Năm nay cháu lên lớp 4, đã hiểu chuyện, chắc chắn H. sẽ hòa nhập rất nhanh.
Dõi theo các cháu, người phụ nữ dành hơn 20 năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như người ruột thịt Trần Thục Ninh ánh lên niềm vui. Trở lại câu chuyện với chúng tôi, bà Trần Thục Ninh cho biết thêm, dù hoạt động chủ yếu dựa vào những tấm lòng hảo tâm, song nhiều năm qua, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu luôn quan tâm đến các cháu từ những điều nhỏ nhất. Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng 40 cháu, tất cả đều trong độ tuổi đến trường. Những cháu đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đi học cao đẳng, đại học, học nghề vẫn được nuôi dưỡng cho đến khi có việc làm, đủ khả năng hòa nhập xã hội.
Cháu Nguyễn Thị Minh Y. xúc động kể: “Tình yêu thương của các bà, các mẹ mang đến cho chúng cháu một ngôi nhà thứ hai, một gia đình thứ hai. Chúng cháu luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học tập”.
Tương tự trẻ em sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu, dịp này dù sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội hay ngoài cộng đồng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội đều được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để đến trường.
“Đồng hành với gần 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 49.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố là tất cả các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, 99,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội được chăm sóc, trợ giúp kịp thời về nhiều mặt. Ngoài ra, trẻ em là thành viên của gần 50.000 gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được quan tâm về y tế, giáo dục, giúp các cháu có cơ hội học tập tốt hơn trong năm học mới”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh.
Những lớp học đặc biệt
Sự quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn được thể hiện rõ hơn khi trên địa bàn Hà Nội hình thành không ít những lớp học đặc biệt, những mái trường “hai trong một” - vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, vừa giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Đến chùa Hương Lan, xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ) vào một ngày đầu tháng 9-2020, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động. Không gian học tập của học sinh khuyết tật nằm dưới bóng cây xanh mát, tĩnh lặng trong khuôn viên nhà chùa với biển tên “Lớp học tình thương”.
Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, cô giáo Lê Thị Hòa - người thành lập lớp học tình thương cho biết, năm học 2020-2021, lớp học tình thương đón 69 học sinh bị nhiều dạng tật, đến từ nhiều địa phương khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy, đồ dùng học tập, nước rửa tay sát khuẩn, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời điểm có dịch Covid-19.
Vượt quãng đường hơn 20km để đưa con gái Nguyễn Thị Thùy D. đến học tại lớp học đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Sơn, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Cháu D. bị bại não từ khi lọt lòng, trí tuệ kém phát triển, phát âm không rõ lời, đi lại khó khăn. Tham gia lớp học tình thương tại chùa Hương Lan từ năm 2015 đến nay, cháu đã biết đọc, viết…”.
Cùng ở huyện Chương Mỹ, năm học mới 2020-2021, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn) đón 148 trẻ khuyết tật về sống tại ngôi nhà chung và đi học dưới mái trường đặc biệt. Tại đây, các lớp học được sắp xếp dựa trên tình trạng bệnh tật và khả năng nhận thức của học sinh, gồm 2 lớp phục hồi chức năng và 10 lớp học văn hóa, trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Khác với những năm học trước, bài học đầu tiên trong năm học mới tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội là các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Với cách truyền đạt dễ nhớ, dễ hiểu, những học sinh đặc biệt nơi đây đã biết cách tự bảo đảm an toàn cho bản thân…
Tương tự, năm nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) tiếp tục duy trì các lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 ngay tại cơ sở dành cho các cháu có HIV đang nuôi dưỡng tại đây, giúp các cháu có cơ hội học tập như bạn bè cùng trang lứa…
Có thể khẳng định, giữa những thanh âm đa dạng của cuộc sống, những lớp học đặc biệt như một nốt lặng, khiến lòng người lắng lại để cảm nhận rõ hơn tình cảm yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giữa người với người, của cộng đồng với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Điều đó góp phần giúp bước đường đến trường của các em luôn rộn ràng niềm vui, niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.