(HNM) - Chính phủ đánh giá, hoạt động kinh tế đang sôi động trở lại, với những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Song, thách thức, bất lợi vẫn đan xen, doanh nghiệp đối diện không ít khó khăn, trở nên “mỏng manh” hơn sau thời gian dài chống dịch Covid-19 và hao mòn các nguồn lực. Thực tế đặt ra yêu cầu tiếp tục trợ giúp doanh nghiệp toàn diện, kịp thời và hiệu quả hơn…
“Bức tranh” doanh nghiệp
Theo thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 là 133,7 nghìn đơn vị, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn đơn vị, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, số doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động tăng đáng kể cho thấy doanh nghiệp đã phục hồi tích cực, nhưng số giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao. Nhiều điểm yếu chưa được khắc phục khi đa số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, nhiều đơn vị vẫn gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, bởi ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, gián đoạn sản xuất, cạn kiệt nguồn lực… “Nếu được hỗ trợ đúng lúc, kịp thời thì có thể cứu cả một đơn vị; ngược lại nếu để muộn thì có thể đẩy doanh nghiệp vào chỗ phá sản”, ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Giám đốc Công ty HANPO VINA Tô Ngọc Phương cho rằng, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua rất tích cực, triển khai đồng đều, có tác dụng tốt. Song, doanh nghiệp luôn cần sự đồng hành lâu dài của Nhà nước, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn. Do hạn chế về tài sản, lại bị thiệt hại sau dịch Covid-19, nên số doanh nghiệp được vay vốn cũng hạn chế vì không đáp ứng được các yêu cầu từ phía ngân hàng.
Vào cuộc đồng bộ, kịp thời
Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Toàn Thắng nhận định, thực tế nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ ít tiếp cận được các hỗ trợ của Nhà nước. Điều đó đặt ra yêu cầu tập trung trợ giúp khu vực này một cách thiết thực hơn. Hiện, Chính phủ đang đốc thúc các ngân hàng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, nhất là tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm dư địa, giảm chi phí cho doanh nghiệp được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Cơ quan chức năng đã tận dụng cơ hội từ diễn biến thị trường nhiên liệu thế giới kết hợp giảm các loại thuế tạo đà giảm giá xăng, dầu liên tiếp, giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trên diện rộng. Bên cạnh đó, các chính sách trợ giúp người lao động, thực chất cũng là hỗ trợ doanh nghiệp, đang được các bộ, ngành khẩn trương thực hiện.
Từ góc độ địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, 7 tháng năm 2022, Hà Nội đã thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho gần 42.000 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng, hỗ trợ giảm trên 1.700 tỷ đồng lệ phí trước bạ... Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ tháng 1-2020 đến nay đạt trên 3.800.000 tỷ đồng. Hà Nội đã quyết định hỗ trợ cho trên 2,63 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh với trên 2.500 tỷ đồng…
Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 4 nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai. Một là, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hai là, tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng, dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Ba là, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. Bốn là, cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xóa bỏ thủ tục "lòng vòng", sách nhiễu…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng bình quân số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh khoảng 8%/năm… Các giải pháp trợ giúp doanh nghiệp là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số. Các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời, dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.