Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới

Thanh Hiền| 25/12/2019 07:34

(HNM) - Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 270 làng nghề truyền thống với nhiều nhóm nghề như gốm sứ, dệt may, điêu khắc, mây tre đan... Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề đổi mới công nghệ, từ đó góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, cải thiện môi trường.

Sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng đổi mới mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) hiện có hơn 40 hộ sản xuất miến. Tuy nhiên, việc làm miến hoàn toàn thủ công không chỉ cần nhiều nhân công, tốn mặt bằng, mà còn gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là một trong những cơ sở được sự hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí từ Sở Công Thương Hà Nội, thông qua đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất (thuộc chương trình khuyến công thành phố năm 2019), giữa năm 2019, ông Phí Công Kiệt, chủ cơ sở sản xuất Trung Kiên - hộ sản xuất miến lớn nhất xã Minh Khai đã quyết định đầu tư hệ thống máy sấy với tổng kinh phí lên đến gần 5 tỷ đồng.

"Với dàn máy sấy tự động, miến không phải phơi ngoài trời, sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn, năng suất cũng cao gấp 3 lần so với trước", ông Phí Công Kiệt nói.

Còn tại xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ. Trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp, cần nhiều nhân lực. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thương mại tổng hợp, dịch vụ làng nghề Vân Hà đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động. Với máy móc mới, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động đục tất cả các chi tiết của sản phẩm, vừa giúp giảm nhân lực vừa tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Ông Đào Hồng Thái, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương) nhận định, cùng với các chính sách hỗ trợ của thành phố, các hiệp hội làng nghề, hộ sản xuất, doanh nghiệp đã chủ động quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất.

Điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Tràng Tiền (cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín) đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng cho dàn lạnh GUNTNER GHN 071.2H/210-EHS50.E để làm kem; Công ty TNHH Trường Thịnh (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đầu tư 880 triệu đồng cho máy sấy khăn công nghiệp hiệu suất cao; Công ty TNHH Bia thủ công Hà Nội (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đầu tư 880 triệu đồng cho hệ thống nấu bia 400L tự động... Việc này đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là giảm ô nhiễm làng nghề.

Nhiều hoạt động khuyến công thiết thực

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, nên đa phần chưa có khả năng đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Vì vậy, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, hoạt động sản xuất tốn nhân công, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực tế đó, để giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp từng bước hòa nhập với xu hướng chung, nâng cao tính cạnh tranh, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công thiết thực, trong đó đáng chú ý là chương trình hỗ trợ cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ. Riêng trong năm 2019, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, thành phố tiếp tục hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất với kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả, do trung tâm đã có sự khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, những đề án mang tính khả thi.

Trong đó, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn, tạo điều kiện phổ biến mô hình đầu tư sản xuất sản phẩm mới, tiêu biểu, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tương tự học tập kinh nghiệm.

Hoạt động này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800.000 đến một triệu lao động nông thôn, với thu nhập bình quân đạt 35-40 triệu đồng/năm…

Ðể đạt được những mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.