(HNM) - Hàng loạt giải pháp đồng bộ của thành phố cùng sự nỗ lực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2017 đã góp phần giúp các doanh nghiệp Thủ đô mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Ảnh: Huy Hùng |
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối cung cầu, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho… đã được triển khai tích cực, góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Bằng những cách làm mới, hiệu quả, trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi làm việc với hiệp hội, các nhà đầu tư quốc tế đến Hà Nội tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore, Vương quốc Anh, Australia… Phối hợp với Bộ Ngoại giao tuyên truyền, giới thiệu môi trường đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố qua các sự kiện bên lề của Hội nghị APEC. Trong đó, phải kể tới 136 dự án được trung tâm giới thiệu với số vốn 1,1 triệu tỷ đồng; trao giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án với tổng số vốn 74.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các hội nghị xúc tiến trong nước và nước ngoài, thành phố đã ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác như Biên bản ghi nhớ với đối tác Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội với số vốn 5,2 tỷ USD trong chuyến tham gia Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ; ký 15 biên bản ghi nhớ khác trị giá 134,79 nghìn tỷ đồng…
Trung tâm cũng thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư như thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng; thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý khó khăn, vướng mắc trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn tồn đọng...; Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số thành phố của nước ngoài... Nhờ đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn thành phố trong năm 2017 đạt 2.373 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2016. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2017 đã đạt gần 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%. Đây là một trong 6 chỉ tiêu phát triển của thành phố vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt hơn 9,8 tỷ USD, tăng 12%.
Cụ thể hơn về chiến lược phát triển kinh tế của thành phố, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA cho biết, thành phố xác định các thị trường trọng điểm, tập trung vào các liên kết kinh tế, thương mại then chốt, bao gồm: Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Khối Thương mại tự do Châu Âu (EFTA), hiệp định mới được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam và Hàn Quốc...
Cũng theo ông Nguyễn Gia Phương, trung tâm tiếp tục xây dựng mạng lưới liên kết các tổ chức trong nước, ngoài nước về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tăng cường thực hiện, nâng cao vai trò, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xuất khẩu thông qua những chương trình xúc tiến thương mại thiết thực cho doanh nghiệp như tập huấn, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, nghiệp vụ xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu; tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu để phát triển thị trường nội địa... Tiếp tục triển khai đi vào chiều sâu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển rộng khắp, đứng vững tại thị trường trong nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng, kết nối cung cầu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.