(HNM) - Trong xu thế quyết tâm cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh của lãnh đạo TP Hà Nội, các sở, ngành đang tích cực triển khai nhiều biện pháp và động thái nhằm tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khắc phục khó khăn, từng bước hồi phục để tăng trưởng trở lại…
Hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) và khả năng tiêu thụ sản phẩm của DN Hà Nội vẫn chưa thoát khỏi tình hình khó khăn, chủ yếu do sức mua thị trường giảm, một số DN còn tình trạng tồn đọng sản phẩm… Tuy vậy, chỉ số SXCN trên địa bàn 10 tháng qua tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tuy là mức tăng thấp, nhưng cho thấy các DN đã có sự tăng trưởng trở lại. Một số DN đạt mức sản xuất ổn định, duy trì thị phần, như Công ty Khóa Việt - Tiệp, Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa… Một số DN đang từng bước hồi phục và chuẩn bị cho sự bứt phá trong thời gian tới. Trên thực tế, số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng tăng dần qua các năm. Đến nay, thành phố đã công nhận 61 sản phẩm đạt danh hiệu là sản phẩm công nghiệp chủ lực, gồm sản phẩm cơ kim khí, hóa chất, điện tử, dệt may…
Điện tử là một trong những sản phẩm chủ lực của Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên rà soát cơ chế chính sách và gặp gỡ DN để nắm tình hình, sẵn sàng tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh. Trong đó, riêng Sở Công thương đã, đang thực hiện hàng loạt động thái nhằm duy trì mục tiêu khuyến công. Mới đây, Sở lập đoàn khảo sát, thu thập thông tin thực tế tại 75 DN, từ đó đã xác định được bức tranh "xôi đỗ", với một số đơn vị hiện có mức tăng trưởng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng có một số DN chỉ đạt 70-90% cùng kỳ. Sở đã tổng hợp, thống nhất nội dung về tình hình DN, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn báo cáo thành phố chỉ đạo, tháo gỡ. Bên cạnh đó, các sở, ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan… cũng duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng DN. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN Nhật Bản tại sở nhằm hỗ trợ DN Hà Nội dễ tìm hiểu đối tác, nhất là đối với DN quy mô nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đang thể hiện quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính, hướng tới sự cải thiện cơ bản về thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đó cũng là điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu hỗ trợ DN. UBND TP Hà Nội đã ký văn bản hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh nội dung hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ và tìm biện pháp phù hợp để tập trung nâng cao PCI của Hà Nội; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, quảng bá tiềm năng và nhu cầu hợp tác cho DN trên địa bàn. Hai bên sẽ duy trì các cuộc gặp định kỳ, trao đổi thông tin, tham vấn tìm thị trường và phát hiện, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới cho DN… Dự báo, những DN thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đầu tư phát triển sẽ là đối tượng hàng đầu được hưởng sự quan tâm từ việc hợp tác này.
Về phía DN, một số đơn vị đã từng bước ổn định sau thời gian khó khăn nhờ những giải pháp căn cơ, như tiết giảm chi phí quản lý chưa cần thiết; tiết kiệm năng lượng, vật tư, nguyên liệu; áp dụng các phương thức thanh toán linh hoạt, ưu tiên ký hợp đồng kinh tế với đối tác chiến lược… DN cũng chủ động gia tăng hoạt động điều tra thị trường, căn chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kết hợp giữa mục tiêu duy trì sản xuất với giảm lượng hàng tồn kho, thu hồi nợ để bảo toàn vốn. Bên cạnh đó, các DN kiến nghị, cơ quan chức năng tiếp tục xem xét việc giảm thuế thu nhập DN, tạo điều kiện cho DN dễ dàng vay ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp hỗ trợ DN, nhất là về mặt bằng sản xuất, thủ tục hải quan, thuế. DN cũng mong muốn cơ quan quản lý làm tốt công tác quản lý thị trường, tăng cường số đoàn kiểm tra liên ngành và nhân sự tham gia các đoàn kiểm tra, lập các chuyên đề để đấu tranh có hiệu quả với nạn hàng giả và buôn lậu nhằm bảo vệ, tiếp sức cho DN chân chính. Đây luôn là vấn đề "nóng" trong thời gian cuối năm và chuẩn bị tết âm lịch. Một khi thiết lập được sự lành mạnh trên thị trường sẽ góp phần cải thiện PCI cũng như duy trì hình ảnh, sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN cũng như chủ động mở rộng liên kết với các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ổn định, hướng tới sự phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng như tạo nền tảng cho năm sau. Nói cách khác, hỗ trợ DN đang và sẽ là mục tiêu, động lực để kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.