Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Sớm tháo gỡ bất cập trong chính sách

Nguyễn Mai| 24/08/2022 15:18

(HNMO) - Sáng 24-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức hội thảo "Thực trạng, giải pháp phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội". Hội thảo nhằm làm rõ thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong phát triển liên kết chuỗi, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Thực trạng, giải pháp phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Chính sách còn khó thực hiện

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân tham gia mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các bên liên kết. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đến năm 2021, có 13 chuỗi ngừng hoạt động và thêm 17 chuỗi được thành lập mới.

Cụ thể, đến hết tháng 12-2021, Hà Nội có 145 chuỗi đang hoạt động, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Một số mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Oganic Green; chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân…

Tuy vậy, so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, kết quả trên chưa tương xứng. Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhìn nhận, mặc dù rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành và đã tiếp nhận một số dự án, kế hoạch liên kết đề nghị hỗ trợ, song đến nay, Hà Nội chưa hỗ trợ được dự án liên kết/kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nguyên nhân do chính sách ban hành chưa đồng bộ, chưa cụ thể và chưa giải quyết được các nút thắt trong cơ chế chính sách của giai đoạn trước thì lại có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương giai đoạn mới nên tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp giai đoạn mới.

Cụ thể, thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ, qua thực tiễn của Hội đồng thẩm định dự án, kế hoạch liên kết thẩm định hồ sơ của các đơn vị gửi về Sở NN&PTNT còn một số vướng mắc, chưa triển khai được. Ví như, tại Khoản 3, Điều 6 Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định “Chủ trì liên kết: Trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ là chủ trì liên kết. Đối với trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết”. Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1, Điều 9 Nghị định lại quy định “Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua dịch vụ tập trung của hợp tác xã”.

Các quy định trên không đồng nhất dẫn đến việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.

Với chính sách của thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được ban hành nhưng cũng chưa quy định cụ thể định mức chi, phương thức thực hiện hỗ trợ đối với các dự án/kế hoạch liên kết, mà vẫn quy định chung chung theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP nên không thể thực hiện...

Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau.

Sớm điều chỉnh những bất cập

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước về sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nhằm quản lý minh bạch trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm, cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu còn bất cập. Vì vậy, hợp tác xã và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách đó của Nhà nước.

Ông Minh đề nghị cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh những bất cập trong chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã và nông dân. Nhà nước cũng cần có chính sách giao đất, cho thuê theo giá quy định, không phải đấu thầu để các hợp tác xã đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Chủ tịch chuỗi TPS Organic Green (huyện Thường Tín) cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế chính sách thiết thực trong kết nối chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm đối với thực phẩm theo hướng hữu cơ. Các sở: Công Thương, NN&PTNT hỗ trợ sát sao trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các kênh tiêu thụ; tổ chức, phối hợp liên kết với Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green xây dựng điểm bán hàng thực phẩm theo hướng hữu cơ tại các quận, huyện...

Để đẩy mạnh các chuỗi liên kết, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đơn vị đang rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Từ đó, đề xuất Trung ương và HĐND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung nội dung còn thiếu và nội dung chưa phù hợp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp trong phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Quỹ hỗ trợ phát triển thành phố và các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi để hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, đặc biệt là chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu ngày càng cao của thị trường...

Không riêng Hà Nội, theo TS Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT), mặc dù, Nghị định số 98/2028/NĐ-CP mới được triển khai 3 năm qua và đã có những kết quả khá ở một số địa phương nhưng việc triển khai còn chậm. Đến nay, cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt dự án liên kết và có 16/63 tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ liên kết. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về các nội dung quy định trong Nghị định 98/2018/NĐ-CP; hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đang gặp phải; đồng thời, nghiên cứu, rà soát, đánh giá và chuẩn bị tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai Nghị định…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Sớm tháo gỡ bất cập trong chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.