(HNM) - Một đứa trẻ sinh ra trong những năm đầu kháng chiến tại núi rừng Việt Bắc, trở về Hà Nội khi đó mới bảy, tám tuổi không khỏi ngỡ ngàng trước những đường phố ngang dọc, những ngôi nhà cao tầng và những dòng người, dòng xe nườm nượp.
Những năm tháng sau đó, tôi đi học cấp một tại trường Vân Hồ, cấp hai ở trường Quang Trung, hằng ngày tôi đều đi qua hồ Thiền Quang. Hằng ngày, hằng ngày, lũ trẻ chúng tôi nô đùa, chạy nhảy, đá cầu, đá bóng xung quanh bờ hồ, rồi lại nhảy xuống hồ bơi lội bì bõm không còn biết mệt là gì. Nhưng có lẽ cái thú nhất với tôi là câu cá, vì cá ở hồ là do nhà nước thả, hằng ngày đều có ngươi trông giữ. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi thì giữ làm sao nổi. Tôi là thằng “sát cá”, các cụ bảo thế. Cứ vác cần ra hồ là có cá đem về. Ngày ấy làm gì có những cần câu máy hiện đại như bây giờ, chúng tôi đều phải đi kiếm tre về hì hụi vót lấy cành để câu. Tôi có thể nhìn tăm cá sủi lên trên mặt nước, biết loài cá nào đang ở dưới nước, nhìn phao nháy biết loại cá nào đang đớp mồi, xem hướng gió, nhìn gợn sóng biết phải câu ở góc nào mới được, nghe thời tiết biết hôm nào cá nổi... Tôi mê câu đến nỗi cứ sểnh ra một cái là lại trốn học bài ra hồ câu cá và thường xuyên bị cha tôi cho ăn đòn. Nhà văn Nguyễn Tuân thân với cha tôi, mỗi lần đến chơi, gặp tôi ông lại hỏi “Hôm nay cháu câu được nhiều cá chưa? Xem có con nào ngon, rán lên để bác với bố cháu nhắm rượu”.
Hồ Thiền Quang có diện tích khoảng 5 hec ta, cùng với hồ Bẩy Mẫu là một không gian xanh, một lá phổi xanh điều tiết khí hậu cho cả một vùng cư dân ở phía nam thành phố. Nó là nơi để mọi ngươi hóng mát trong những ngày hè oi bức, là nơi để mọi người ra tập thể dục buổi sáng, hít thở không khí trong lành, là nơi tổ chức vui chơi giải trí trong những ngày lễ, ngày Tết. Tôi còn nhớ trong năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, hồ Thiền Quang là nơi bắn pháo hoa trong dịp Quốc khánh 2-9. Lũ trẻ chúng tôi mong chờ ngày đó vô cùng. Xem pháo hoa chỉ là chuyện nhỏ, chúng tôi tranh nhau bơi ra hồ để vớt dù rơi xuống hồ, trèo lên cây, lên những mái nhà để lấy dù. Những chiếc dù pháo hoa bằng vải lụa trắng, xanh, đỏ bay lơ lửng trên bầu trời rực rỡ trong muôn vàn ánh sáng lấp lánh muôn màu của đêm hội đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên.
Nằm ở phía Bắc của hồ Thiền Quang có một xóm nhỏ nằm lọt thỏm trong lòng thành phố - xóm Hạ Hồi. Xóm Hạ Hồi thuộc làng Liên Thủy xưa, còn tên của nó có phải là tên gốc hay không thì chưa ai có thể kiểm chứng được. Có giả thuyết cho rằng, vào cuối đời vua Quang Trung, một số cư dân từ phía Nam thành phố về đây sinh sống, họ đã đặt tên cho cái xóm nhỏ này là Hạ Hồi để tưởng nhớ đến một trong những chiến thắng vĩ đại của vua Quang Trung trong đêm mồng Ba Tết năm Kỷ Dậu. Đến tháng 7-1945, thị trưởng Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Trần Văn Lai đã chính thức đặt tên cho cái xóm nhỏ này là xóm Hạ Hồi. Xóm Hạ Hồi nằm lọt trong ba con phố, phía Bắc là Trần Hưng Đạo, phía Đông là Quang Trung, phía Nam là Trần Quốc Toản. Trong xóm có một con ngõ nhỏ từ phố Trần Hưng Đạo đi vào chia làm ba nhánh, một ra phố Trần Quốc Toản, hai nhánh ra phố Quang Trung. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, xóm chỉ có dăm bảy ngôi biệt thự, còn lại là những nhà nhỏ vườn cây um tùm, là nơi lũ trẻ chúng tôi thường vào đấy bắn chim và hái trộm quả. Sau này, xóm Hạ Hồi càng trở nên nổi tiếng vì có nhiều văn nghệ sĩ về đây sinh sống như gia đình nghệ sĩ ưu tú Hoàng Mi, nghệ sĩ Piano Hoàng Ly, họa sĩ Phương Thảo, họa sĩ Hào Hải... đặc biệt gia đình nhà văn Kim Lân, là nơi tụ hội của rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhà văn Nguyễn Tuân... các họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái... và nhạc sĩ Văn Cao.
Cũng còn một xóm nữa ngày xưa liền kề với xóm Hạ Hồi là xóm Liên Trì vào những năm 60 của thế kỷ XX vẫn còn được nhiều người nhắc đến mặc dù từ lâu nó không còn tồn tại nữa. Thay vào đấy là phố Liên Trì và phố Đoàn Nhữ Hài, nơi cư ngụ của nhà văn Tô Hoài tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký đã làm bao nhiêu thế hệ trẻ con mê đắm. Viết đến đây tôi chợt ngộ ra rằng, trên cái nền đất cổ xưa xung quanh hồ Thiền Quang ngày nay lại là nơi tụ hội của các thế hệ văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản. Phố Nguyễn Du mang tên một thi hào vĩ đại của dân tộc, là nơi “đóng đô” của Hội Nhà văn Việt Nam, nơi tụ hội, nuôi dưỡng bao thế hệ nhà văn, nhà thơ cho đất nước trong nhiều thập kỷ. Hội Nhà văn bây giờ ngụ tại số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu, cũng mang tên một nhà thơ lớn của dân tộc... Nhà 65 Nguyễn Du bây giờ là Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tại phố Thiền Quang, số nhà 13 là nhà của cố họa sĩ Phạm Viết Song, số nhà 12 nguyên là Nhà xuất bản Quy Sơn nổi tiếng một thời. Phố Yết Kiêu, số 108 là nhà của cố nhạc sĩ Văn Cao, nhà số 100 là trụ sở của Báo An ninh Thế giới. Phố Vũ Lợi, nhà số 7 là nhà của cố nhà văn Trần Dần. Bên Nguyễn Thượng Hiền, ngôi nhà số 10 nguyên là tập thể cũ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật là nơi ở của nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ như cố họa sĩ Trần Văn Cẩn, cố nhà thơ Tế Hanh... nhà số 9 cũng là nơi cố nhạc sĩ Đặng Đình Hưng đã từng ở. Trở về phía Đông của hồ Thiền Quang, trên phố Quang Trung có Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Kim Đồng. Phố Hồ Xuân Hương có Báo Nhi Đồng, Báo Tiền phong. Góc phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông là Nhà xuất bản Dân tộc... Như vậy ta có thể thấy, hồ Thiền Quang chính là nơi tụ thủy, tích tụ “ánh sáng Phật”, là một thế đất nhân văn, thu hút nhân tài...
Hơn 60 năm đã đi qua, lũ trẻ con chúng tôi nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, chúng tôi lớn lên, già đi còn hồ Thiền Quang thì nhỏ lại. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, hồ Thiền Quang mãi là những ký ức êm đềm nuôi dưỡng tuổi thơ tôi. Đường Nguyễn Du, con đường của thi ca, con đường thơ mộng của tình yêu với những cây hoa sữa cổ thụ, với mùi hương đặc trưng thơm hắc tỏa lan trên mặt hồ trong những đêm gió mùa se lạnh.
Mỗi lần trở về phố, tôi lại đi trên con đường Nguyễn Du như một thói quen. Thẫn thờ thả hồn ra mặt hồ, nghe tiếng chuông chùa Quang Hoa tỏa lan trên mặt nước hồ lấp lánh. Lòng tôi lại thấy dịu đi để trở về với những kỷ niệm thời thơ ấu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.