Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ sơ Panama: Các trung tâm tài chính châu Á vào tầm ngắm

Bình Minh| 07/04/2016 15:24

(HNMO) - Khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ, hàng loạt nhân vật trong giới siêu giàu, các chính khách và người nổi tiếng bị phát hiện chuyển hàng trăm nghìn đô la Mỹ tới các tài khoản bí mật ở nước ngoài, trong đó có nhiều quốc gia ở châu Á.

Nơi tọa lạc của những trung tâm tài chính hàng đầu

Một số trong những trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất toàn cầu hiện đang nằm ở châu Á như: Singapore, Macao, Dubai hay Hong Kong. Đây cũng là những địa điểm nhiều người giàu có lựa chọn để mở tài khoản tiền gửi.

Bản thân việc gửi tiền này không phải là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á giờ đây bị đặt dưới sức ép phải chia sẻ thông tin nhiều hơn về chủ tài khoản và nguồn gốc khoản tiền gửi. Liệu Hồ sơ Panama có phải là cú hích để các chính phủ châu Á trở nên minh bạch hơn về chính sách thuế?

Theo ông Andy Xie, chuyên gia kinh tế độc lập tại Trung Quốc, câu trả lời có thể là không.

“Tại châu Á, một số nơi yêu cầu phải kê khai tài sản. Vì thế, nhiều người tìm cách che giấu sự giàu có của mình”.

Singapore, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.


Hàng loạt các tập đoàn với lợi nhuận khủng cũng đã đặt chi nhánh tại các trung tâm này để hưởng mức thuế ưu đãi.

Các “ông lớn” như Google, Apple, Microsoft, BHP Billiton và Rio Tinto đều báo cáo thu nhập hàng trăm triệu USD tại Singapore, nhưng số tiền họ phải nộp thuế tại đây thấp hơn nhiều so với quốc gia nơi đặt trụ sở chính.

Các công ty này đều khẳng định họ không hề vi phạm quy định, bởi Singapore là một chi nhánh kinh doanh quan trọng. Trong khi các nhà chức trách nước sở tại lại cho rằng, nếu doanh nghiệp thu lợi nhiều hơn nhờ chi nhánh trong nước, họ cần nộp thuế cho quốc gia nơi đặt trụ sở.

Minh bạch hóa hệ thống tài chính châu Á

Nhiều chính phủ châu Á đã khẳng định nỗ lực trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp. Thông báo của Bộ Tài chính Singapore nêu rõ: “Singapore có quan điểm nghiêm khắc về vấn đề trốn thuế và sẽ không dung túng cho các trung tâm tài chính, kinh doanh có liên quan tới tội phạm về thuế. Chúng tôi đang điều tra thông tin được đưa ra trong Hồ sơ Panama. Nếu có bằng chứng về bất kỳ cá nhân hay thể chế nào ở Singapore vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.”

Công ty luật Mossack Fonseca, nơi Hồ sơ Panama bị rò rỉ. Tài liệu này nêu tên hàng loạt chính trị gia và người giàu có trốn thuế.


Trên thực tế, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hong Kong và Australia đã cam kết sẽ tăng cường trao đổi thông tin về thuế tới năm 2018 theo sáng kiến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.

Điều đó có nghĩa là nếu bạn mở một tài khoản ở Singapore thì về lý thuyết, chính phủ của bạn sẽ được thông báo về điều này.

Tuy nhiên, một số lời chỉ trích sáng kiến này cho rằng, những quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, ngân hàng sẽ không nhận được lợi lộc gì. Điều mang lại lợi ích lớn hơn cho họ, đó là giữ bí mật thông tin khách hàng.

Nếu những trung tâm tài chính này bắt đầu lọt vào tầm ngắm, những vị khách giàu có sẽ quyết định rời đi để chuyển tiền nới nơi an toàn hơn. Và vẫn luôn có những “thiên đường thuế” như thế, bởi có cung, ắt có cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ Panama: Các trung tâm tài chính châu Á vào tầm ngắm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.