Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ Chí Minh - nhân cách lớn rạng ngời văn hóa Việt Nam

PGS.TS Trần Viết Lưu| 16/05/2020 06:22

(HNM) - Định nghĩa khái quát về văn hóa, tháng 8-1943, Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Trong suốt cuộc đời mình, Người luôn nỗ lực thực hành những giá trị văn hóa. Bởi thế, Người là một nhân cách lớn rạng ngời văn hóa Việt Nam.

1. Hồ Chí Minh là hiện thân văn hóa chính trị Việt Nam, kết tinh, hội tụ truyền thống văn hóa dân tộc và lĩnh hội tinh hoa văn hóa nhân loại:

Những giá trị sống mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta không tự mà có, đó là kết quả của một cuộc đời, một con người sinh ra trong một dân tộc có bề dày lịch sử, văn hóa, trưởng thành, trải nghiệm trong một thời đại đầy biến động lịch sử và chính trị. Với Hồ Chí Minh, văn hóa trong tư tưởng, chính trị, đạo đức không tách rời lời nói và hành động, nhiều khi cử chỉ trìu mến ẩn chứa cả biển sâu nội tâm yêu nước, thương nòi, đồng cảm với nỗi đau chung của nhân loại. Toàn bộ các tác phẩm văn học, báo chí, chính trị và cả “mấy lời” để lại trước lúc Người đi xa đã toát lên một tầm vóc nhân cách bao la, sâu nặng tình người, tình đời, tính giai cấp, tính dân tộc, tính cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Mang trong mình nỗi đau dân, nước lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba nhiều quốc gia, Người đã tiếp cận nhiều luồng tư tưởng, nhận rõ bản chất xã hội của chế độ thực dân. Bước ngoặt trong tư duy văn hóa chính trị của Nguyễn Ái Quốc là sự phát hiện ra chân lý: Trên thế gian này, chỉ có hai loại người - những kẻ áp bức, thống trị và những người bị áp bức, nô dịch; ở đâu thì kẻ thống trị cũng tàn bạo, người bị áp bức cũng đều thống khổ. Đó là một chân giá trị văn hóa chính trị được biểu đạt đúng với nhân lõi của tình yêu thương con người, căm ghét áp bức bất công; là tiền đề để Nguyễn Ái Quốc mau chóng tiếp cận được ánh sáng thời đại mới từ chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin; hình thành tình cảm quốc tế vô sản trong sáng. Bản yêu sách Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị hòa bình Versailles (Pháp) cách đây 101 năm chính là tuyên ngôn văn hóa chính trị về quyền sống của con người. Con người phải được tôn trọng, phải được giải phóng khỏi mọi áp bức bất công.

Tầm vóc văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh là hướng đi mới, đi vào lòng người, giành được lòng dân rồi từ đó đi đến giành độc lập. Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh khởi thảo và đĩnh đạc tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước, với thế giới vào chiều thu nắng vàng giữa Ba Đình lịch sử (ngày 2-9-1945) là thông điệp thời đại Hồ Chí Minh, ẩn chứa những giá trị văn hóa, chính trị, lịch sử về quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở tư tưởng xây dựng Nhà nước kiểu mới: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngay từ khởi đầu, Nhà nước dân chủ cộng hòa của Việt Nam đã đưa nhân dân trở thành chủ nhân của Nhà nước dân chủ nhân dân, cử tri từ 18 tuổi trở lên trực tiếp bầu ra Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ, trong xã hội, lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa luôn có tầm quan trọng ngang với phát triển kinh tế. Với con người, Người luôn trăn trở làm sao phải có văn hóa đạo đức, mà cụ thể là những giá trị cần, kiệm, liêm, chính. Và suốt cuộc đời mình, Người đã nêu gương mẫu mực về đạo làm người, về văn hóa đạo đức, ứng xử. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa III, ngày 8-5-1963, Người đã xin phép chưa nhận Huân chương Sao vàng và đề nghị: “Chờ đến ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý”. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh là văn hóa phụng sự nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân: “Tôi hiến cả đời tôi cho Tổ quốc tôi”.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo nhân dân ta chung sức đồng lòng xây đắp tương lai theo ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh:

Văn hóa chính trị của Hồ Chí Minh là giá trị sống, lựa chọn lẽ sống chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, bình đẳng, hạnh phúc, để loài người xích lại, sống chan chứa tình người.

Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, giữa sự nhiễu loạn nhiều luồng tư tưởng khi đó, Đảng đã xác định sứ mệnh văn hóa Việt Nam là phải làm cách mạng về tư tưởng, khẳng định tính tất yếu và là xu thế chủ lưu của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đời sống chính trị của Việt Nam. Về sau, Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò không gì có thể thay thế được của văn hóa là phải “soi đường cho quốc dân đi”.

Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng đã cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách phù hợp, từng bước định hình diện mạo văn hóa cứu nước, kháng chiến vệ quốc, bài trừ văn hóa độc hại thực dân phong kiến, kiến tạo hình hài văn hóa dân tộc, dân chủ, hiện đại, sáng tạo bởi nguồn cảm hứng lãng mạn cách mạng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” đặt văn hóa và con người là hai mặt của một thể thống nhất, vì văn hóa là do con người sáng tạo, sự sáng tạo ấy là để phục vụ đời sống con người ngày càng tốt đẹp hơn.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Thực hiện phương hướng này, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, củng cố nâng cao văn hóa chính trị trong toàn hệ thống chính trị thực sự là một bước chuyển mình có tính đột phá trên mặt trận tư tưởng của Đảng, làm cho dân tin tưởng vào Đảng, thấu hiểu được Đảng đang quyết tâm tự sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm của mình để giữ được tinh thần cộng sản cho tổ chức chính trị duy nhất đại diện lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, lợi ích nhân dân.

Đến nay, sau 77 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam”, 6 năm ra đời Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, diện mạo văn hóa nước ta đã và đang có được những kết quả khởi sắc. Đáng lưu ý nhất là một số giá trị văn hóa chính trị đã nhú mầm tương lai. Đó là văn hóa đấu tranh loại bỏ những thói hư tật xấu, những cũ kỹ, lạc hậu trong đời sống xã hội; đổi mới trong hệ thống chính trị, làm cho bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương gần dân, sát dân, trọng dân và phụng sự nhân dân. Cả hệ thống chính trị vào cuộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã làm lành mạnh đáng kể đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, buộc mỗi người trong hệ thống chính trị phải tự soi, tự sửa, tự gột tẩy để thực thi công vụ tốt hơn. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (lời thơ của Tố Hữu) được nhiều cán bộ, đảng viên thẩm thấu và biến thành hành động...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là nền tảng dần hình thành nên hệ giá trị mới trong văn hóa chính trị của Việt Nam, trong đó cốt lõi là: Tất cả vì cơ đồ Việt Nam cường thịnh. Ai làm gì mà gây tổn hại đến thanh danh của Đảng, của Nhà nước thì người đó phải tự loại bỏ mình khỏi hệ thống chính trị. Nghiêm minh và nhân ái luôn bổ trợ cho nhau; nghiêm minh “thượng tôn pháp luật” để lòng nhân ái có khuôn khổ và đúng chuẩn mực đạo đức; nhân ái là nâng niu, quý trọng những giá trị sống có luật pháp, có đạo đức; đạo đức chính là thứ luật pháp vô hình có sức mạnh vô cương.

Đảng ta là một Đảng cách mạng. Đảng thành công trong lãnh đạo đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác là vì Đảng ta đã biết hướng đạo giá trị sống “có nhân, có nghĩa”; những đảng viên hết thảy vì nước vì dân, thắng không kiêu, bại không nản, gươm kề cổ, súng kề tai, bị tra tấn, tù đày, dù có phải hy sinh vẫn một lòng một dạ kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thêm một lần nhấn mạnh nội dung “xây dựng văn hóa trong chính trị”. Điều này càng khẳng định giá trị to lớn của vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa trong lịch sử cũng như trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồ Chí Minh - nhân cách lớn rạng ngời văn hóa Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.