Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ chuyển đổi số theo chiều sâu

Nam Trung| 08/02/2023 06:26

(HNM) - Năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn thành kho dữ liệu số. Việc này nhằm thực hiện chuyển đổi số theo chiều sâu; tạo lập, liên thông, chia sẻ, phát huy và sử dụng dữ liệu số cho thành phố thông minh.

Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận hình thành doanh nghiệp số.

Những bước chuyển tích cực

UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Chương trình Chuyển đổi số của thành phố bao gồm 3 nội dung trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm mang lại sự tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong năm qua, tháng 3-2022, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Đến tháng 8-2022, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Qua đó, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số.

Cụ thể, cuối tháng 4-2022, thành phố đã đưa vào sử dụng hai hệ thống nền tảng của việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Thứ nhất là Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, bao gồm 20 nhóm lĩnh vực thông tin kinh tế - xã hội với 110 chỉ tiêu cụ thể, giúp lãnh đạo UBND thành phố đánh giá được tổng thể tình hình ở địa phương, cơ sở, từ đó đưa ra định hướng, quyết sách phù hợp. Thứ hai là Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022, cung cấp các thông tin, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ nhiều lớp dữ liệu địa lý…, giúp cơ quan chức năng nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội.

Cùng với đó, thành phố đã triển khai 4 nền tảng quan trọng. Một là Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP). Hai là Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu nhằm tổng hợp tập trung từ kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Ba là Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ. Bốn là Nền tảng họp trực tuyến.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh, thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ, đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp và được chia sẻ trên cổng dữ liệu tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/ cho các sở, ban, ngành khai thác.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: “Thành phố đã lần đầu tiên đánh giá được đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn năm 2022 đạt 15,38%, vượt chỉ tiêu đề ra là 15%”.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Bước vào năm 2023, thực hiện chủ đề hành động của thành phố Hồ Chí Minh là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội”, các cấp, các ngành đã triển khai chuyển đổi số nhằm phát huy hiệu quả theo chiều sâu trong lĩnh vực mình quản lý.

Đơn cử, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải thông tin, năm 2023, Thành đoàn sẽ thực hiện đề án nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên. Chú trọng tập huấn các chuyên đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, chỉ đạo các hoạt động Đoàn và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh xác định phần việc chính của năm 2023 sẽ là phát huy thành tích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước trong năm 2022 để thực hiện nhiệm vụ xây dựng lưới điện thông minh. Còn ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình lớp học số trong dạy và học môn tiếng Anh ở lớp 3 theo chương trình mới để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...

Với vai trò là ngành chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh triển khai mục tiêu hoàn thiện dữ liệu số cho toàn thành phố trong năm 2023 với 4 nhóm giải pháp, gồm: Hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (hiện là 79%), kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thứ hai là triển khai ứng dụng di động, bao gồm cả chữ ký số, để người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công mọi nơi, mọi lúc. Thứ ba là vận hành 5 nền tảng số phục vụ cho công tác chỉ đạo và điều hành. Thứ tư là tập trung phát triển 3 nhóm dữ liệu phục vụ quản lý đô thị.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng nhấn mạnh: “Năm 2023, sẽ có 6 hệ thống thông tin số chuyên ngành đưa vào vận hành. Đó là: Hồ sơ sức khỏe điện tử của Sở Y tế; Hệ thống thông tin quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường; Hệ thống thông tin quản lý xây dựng của Sở Xây dựng; quản lý đối tượng bảo trợ xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; quản lý đầu tư công và quản lý hộ kinh doanh cá thể của Sở Kế hoạch và Đầu tư; cơ sở dữ liệu quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chuyển đổi số theo chiều sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.