(HNM) - Phân luồng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý là một trong 6 nhóm giải pháp chính được TP Hà Nội thực hiện kiên trì, bài bản trong những năm qua nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT). Từ 124 “điểm đen” UTGT vào năm 2010-2011, đến nay chỉ còn 41 điểm, trong đó có thể nhận thấy rõ đóng góp rất quan trọng của nhóm giải pháp này.
Từ tuyến đường thí điểm
Tháng 9-2011, TP Hà Nội thí điểm phân làn phương tiện trên tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân đến Lê Duẩn), Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu (đoạn từ Tràng Thi đến Nguyễn Du)... Cùng với sơn kẻ vạch, lắp đặt biển báo, công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ. Tiếp sau giai đoạn nhắc nhở, các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý kiên quyết đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bắt đầu phải hình thành một thói quen tham gia giao thông mới.
Quan điểm chỉ đạo của thành phố là quyết tâm, kiên trì trong việc phân làn, phân luồng phương tiện nhằm từng bước nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, giảm UTGT. Nhớ lại giai đoạn đầu mới thí điểm, ông Nguyễn Xuân Ngát, sống tại khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) kể, ban đầu không ít người dân phản ứng với lực lượng chức năng, nhưng sau thời gian đầu thí điểm, trước thái độ kiên quyết của các cán bộ, chiến sĩ và nhận thấy việc đi lại dễ dàng hơn nên đã chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, ông Ngát cũng cho biết, vào giờ cao điểm, một bộ phận người dân, đặc biệt là người đi xe máy vẫn còn lấn làn, dừng đỗ sai trên tuyến.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, từ kết quả của quá trình thí điểm, Hà Nội đã nghiên cứu nhân rộng trên nhiều tuyến phố khác. Đặc biệt, đã triển khai cả các biện pháp mạnh như hạn chế taxi vào khung giờ cao điểm trên một số tuyến đường; cấm xe tải vào nội đô; cấm xe khách liên tỉnh đi xuyên tâm; tổ chức phân luồng tại chỗ và phân luồng từ xa...
Nhờ đó, từ 124 “điểm đen” UTGT năm 2010-2011, đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn 41 điểm, trong đó 17 điểm mới phát sinh do lưu lượng giao thông tăng cao và việc rào chắn thi công một số công trình giao thông trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với đó, thời gian và số vụ ùn tắc kéo dài cũng giảm đáng kể.
Giải pháp trọng yếu
Sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội đã khiến hệ thống giao thông đô thị ngày càng quá tải, do đó, cần phải có những giải pháp cấp bách giảm UTGT. Bên cạnh việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm thì phân làn, tách dòng phương tiện chính là những giải pháp trọng yếu nhằm kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Theo ông Vũ Văn Viện, từng bước xử lý dứt điểm số “điểm đen” còn lại, đồng thời không để phát sinh các điểm mới là nhiệm vụ đồng thời cũng là thách thức cho các cơ quan chức năng trong giai đoạn sắp tới. Mặt khác, để có thể kiểm soát, đẩy lùi tình trạng UTGT hiệu quả hơn, rất cần sự đồng thuận và nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông của người dân để từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết thêm, việc phối hợp với ngành Giao thông - Vận tải trong công tác phân luồng là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Năm 2016, đơn vị đã đề xuất với Sở Giao thông - Vận tải giải quyết 414 đầu việc về tổ chức giao thông.
Ngay trong tháng 2-2017, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, Phòng đã kiến nghị 30 đầu việc liên quan đến tổ chức, phân luồng giao thông. Cũng trong tháng 2, Cảnh sát giao thông đã xử lý 71 trường hợp đi sai phần đường, 323 trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều… Qua thực tiễn cho thấy, việc tổ chức giao thông hợp lý, kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã góp phần quan trọng làm giảm tai nạn, UTGT.
Đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong “cuộc chiến” chống UTGT, các chuyên gia giao thông nhấn mạnh, chính việc phân làn, tách dòng phương tiện, kịp thời huy động lực lượng ứng trực và xử lý các tình huống UTGT; tổ chức sắp xếp và điều hành giao thông hợp lý; tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường và xử lý xung đột tại các nút giao thông (bằng hệ thống cầu vượt và đèn tín hiệu); điều tiết hoạt động một số loại hình phương tiện như taxi, xe tải, xe khách liên tỉnh và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động xe buýt... đã giúp giao thông Thủ đô “dễ thở” hơn. Cộng với việc Hà Nội đang quyết liệt “giải phóng” vỉa hè, chắc chắn bộ mặt đô thị sẽ thực sự chuyển mình theo hướng văn minh, đồng bộ, hiện đại...
“Bên cạnh nhiệm vụ tham mưu, đề xuất biện pháp, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn phân luồng để nhân dân đi lại thông suốt, an toàn, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tổ chức cấm xe tải có trọng tải từ 3,5 tấn vào giờ cao điểm trên đường Thạch Bàn; tổ chức 2 chiều phương tiện trên tuyến đường Đê La Thành (đoạn từ Kim Mã đến Giảng Võ) và khu vực nút giao Đê La Thành - Nguyên Hồng... Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đơn vị cũng sẽ rà soát các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, đề xuất thu hồi giấy phép những điểm gây ảnh hưởng đến giao thông, dẹp bỏ các điểm tự phát không có phép”. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.