(HNM) - Quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường toàn diện cho công an cấp huyện, hướng về cơ sở, bố trí lực lượng theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, đến nay Công an thành phố đã triển khai 2 đợt sắp xếp với 1.028 cán bộ, chiến sĩ về 146 xã, 5 thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã.
Sau khi được triển khai xuống xã, thị trấn, lực lượng công an chính quy đã tích cực thực hiện các nội dung công tác, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, phải kể đến việc kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn; tăng cường gắn kết, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự xã, các ban, ngành trên địa bàn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngoài ra, cán bộ công an chính quy về xã, thị trấn còn triển khai nghiêm túc việc tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân. Việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn đã giúp khắc phục những hạn chế của lực lượng công an xã bán chuyên trách như quân số không ổn định, không được đào tạo bài bản… nên xử lý nghiệp vụ còn khiếm khuyết. Đồng thời qua việc "bám sát cơ sở" này cũng là cách đào tạo các cán bộ, chiến sĩ có thêm nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ.
Nhìn chung, an ninh trật tự tại các xã, thị trấn trên địa bàn Thủ đô được bố trí công an chính quy đều có chuyển biến tích cực khi tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội giảm. Qua đó góp phần ổn định cơ sở, phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên hơn cho nhân dân.
Trên cơ sở kết quả đạt được, từ nay đến hết quý I-2020, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công an chính quy tại 155 xã còn lại trên địa bàn Thủ đô. Để thực hiện tốt mục tiêu này, trước hết công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công an chính quy trước khi điều động đảm nhiệm các chức danh công an xã cần được chú ý hơn để khi xuống cơ sở có thể làm việc được ngay.
Cụ thể, Công an thành phố, các huyện, thị xã và chính quyền cơ sở cần phối hợp tốt hơn trong bố trí nơi làm việc, sinh hoạt; mua sắm công cụ hỗ trợ, trang thiết bị tác nghiệp… cho cán bộ, chiến sĩ được điều động về cơ sở để họ yên tâm công tác. Cùng với đó là thống nhất trên toàn thành phố bộ tiêu chuẩn chung về quy chế làm việc, mối quan hệ công tác của công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã với chính quyền cơ sở.
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn về xã, thị trấn, phải xác định đây là cơ hội để hoàn thiện mình qua hoạt động thực tế để có đủ bản lĩnh, kỹ năng xử lý công việc khi nắm giữ các vị trí cao hơn trong lực lượng Công an nhân dân. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần nêu cao tính gương mẫu, tác phong người chiến sĩ Công an nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với người dân khu vực nông thôn cũng cần nâng cao ý thức pháp luật nói chung và tinh thần hợp tác với lực lượng công an xã nói riêng. Bởi lực lượng công an gần dân, sát dân chính là điều kiện tốt để tội phạm phải dè chừng khi lộng hành, từ đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng phát triển.
Bám sát cơ sở, đào tạo sự tinh nhuệ cho toàn lực lượng công an ở mọi cấp - đó là một chủ trương đúng và đã chứng minh rõ tính hiệu quả, rất cần phát huy hơn nữa thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.