Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả của khám, chữa bệnh từ xa

Xuân Lộc| 19/12/2020 06:25

(HNM) - Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được triển khai tại 4 bệnh viện hàng đầu của ngành Y tế Thủ đô đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người bệnh được chẩn đoán, tư vấn và chỉ định điều trị kịp thời bởi đội ngũ chuyên gia ở các bệnh viện tuyến trên. Đây cũng là một giải pháp hiệu quả, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn triển khai một cuộc hội chẩn từ xa qua hệ thống Telehealth, tháng 9-2020.

Thu hẹp khoảng cách y tế giữa các tuyến

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong 4 bệnh viện của Thủ đô được thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế. Đây cũng là bệnh viện chuyên khoa hạng I của Hà Nội và là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế, kết nối với 5 tỉnh ở phía Bắc và toàn bộ hệ thống sản khoa của Hà Nội. Việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa thời gian qua đã giúp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hỗ trợ y tế tuyến dưới hiệu quả trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ, nâng cao hiệu quả điều trị, hội chẩn ca bệnh cấp cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực sản khoa, việc chẩn đoán mang tính tối cấp. Nếu được chẩn đoán từ xa kịp thời, chắc chắn sẽ giảm thiểu tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm cả những ca chẩn đoán sai và những ca xử lý sai lầm phải chẩn đoán lại, nâng cao hiệu quả điều trị. “Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất vào bất kỳ thời điểm nào mà các bệnh viện trong mạng lưới cần. Hiện tại, có khá nhiều kỹ thuật mà khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa sẽ giảm rất nhiều chi phí, đặc biệt có tính hỗ trợ ngay lập tức trong những trường hợp cấp cứu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, định kỳ hằng tuần tổ chức các buổi tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hoặc có thể hội chẩn đột xuất theo yêu cầu của tuyến dưới. Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, nhờ có Telehealth, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh, trực tiếp trao đổi, đối thoại với nhau đã giúp nhân viên y tế các tuyến không còn bất kỳ giới hạn về không gian hay khoảng cách địa lý. Từ đó, mở ra cơ hội lớn trong việc đào tạo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn cho toàn thể y, bác sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Hiện tại, có 41 bệnh viện công lập và 30 bệnh viện ngoài công lập của Hà Nội kết nối khám, chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Bệnh viện mong muốn kết nối thêm nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phố lân cận, như: Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc….

Là đơn vị tiên phong triển khai khám, chữa bệnh từ xa, Tiến sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ứng dụng Telehealth là bước đột phá trong lĩnh vực y tế, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, đi lại, cũng như giảm bớt gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin với người bệnh.

Phát huy tối đa hiệu quả của Telehealth

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 (Bộ Y tế), Bộ đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các bệnh viện hàng đầu của Hà Nội khi tham gia vào đề án khám, chữa bệnh từ xa. Bộ Y tế cũng tin tưởng và mong muốn 4 bệnh viện: Tim Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Ung bướu Hà Nội, Phụ sản Hà Nội tiếp tục mở rộng, phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến. Đây cũng là việc làm nhân văn cùng nhau giúp người bệnh tuyến dưới trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế về phát triển kinh tế và trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Để việc khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trên và tuyến dưới. Các cơ sở y tế tuyến dưới phải thường xuyên kết nối, phối hợp với tuyến trên. Người tiếp cận hệ thống này phải coi đây là công cụ để học tập, nâng cao trình độ. Riêng về phía Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn có kíp trực cấp cứu, sẵn sàng tư vấn trực tuyến khi tuyến dưới cần, thậm chí, khi có lệnh chuyển cấp cứu, thì tổ chuyên gia về sản phụ khoa sẽ vào cuộc kịp thời. “Chúng ta phải làm sao phát huy tối đa hiệu quả của Telehealth, chứ không phải có công cụ mà không dùng đến”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tại, trình độ, năng lực chuyên môn của các bác sĩ tại bệnh viện Thủ đô đáp ứng tốt các yêu cầu của khám, chữa bệnh từ xa. Về phía người bệnh cũng yên tâm hơn nhiều vì biết có cả một tập thể, có cả những chuyên gia đầu ngành đang tập trung đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho họ. Sở Y tế Hà Nội khuyến khích tất cả cơ sở y tế trực thuộc tham gia đề án khám, chữa bệnh từ xa; đồng thời sẽ kiểm tra, giám sát việc triển khai đề án này. Trong quá trình triển khai, nếu cơ sở y tế nào gặp khó khăn, ngành Y tế Thủ đô sẽ phối hợp hướng dẫn khắc phục, xử lý cho phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả của khám, chữa bệnh từ xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.