Trong năm 2025, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, khám bệnh chữa bệnh, hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, mở rộng triển khai bệnh án điện tử.
Ngày 23-12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song ngành Y tế Thủ đô đã phấn đấu hoàn thành hiệu quả các chỉ tiêu được thành phố giao.
Cụ thể, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,15% so với năm 2023 (đạt chỉ tiêu); giảm 0,2% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm 2023 (vượt chỉ tiêu giao giảm 0,1%); chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân là 37,4 giường bệnh/vạn dân (đạt chỉ tiêu); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 16,6 bác sĩ/vạn dân (đạt chỉ tiêu); tiêu chí quốc gia về y tế xã có 573/579 (chiếm 98,9%) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Cũng trong năm 2024, ngành Y tế cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Tính đến 15-12-2024, thành phố không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, tái nổi như cúm A/H5N1, bệnh do vi rút Marburg, Ebola, Mers-CoV, bệnh đậu mùa khỉ…; các dịch bệnh khác không ghi nhận diễn biến bất thường.
Bên cạnh đó, các chuyên khoa đầu ngành phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; chú trọng chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, đào tạo các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu và khám, chữa bệnh tại bệnh viện…
Từ những kết quả đạt được trong năm 2024, phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; đồng thời với ngành Y tế là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Chính vì vậy, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy gắn với đề án vị trí việc làm được tập trung cao, quyết liệt hoàn thiện trong toàn ngành.
Đối với hoạt động chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng lưu ý, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi kịp thời tình hình dịch bệnh, chủ động dự báo, đề xuất các giải pháp hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và thực hiện y đức trong toàn ngành.
Đặc biệt, trong năm 2025, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, khám bệnh chữa bệnh, hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Đồng thời, mở rộng triển khai bệnh án điện tử để người dân được thụ hưởng các tiện ích trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Hiện, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng chỉ có 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa huyện Mỹ Đức, đa khoa Vân Đình, đa khoa Hòe Nhai, đa khoa huyện Ba Vì, đa khoa Sóc Sơn, đa khoa huyện Quốc Oai, đa khoa Đông Anh và Ung bướu Hà Nội.
Tại hội nghị, Sở Y tế Hà Nội đã trao giải cuộc thi “Tuyên truyền về cải cách hành chính, chuyển đổi số ngành Y tế Hà Nội năm 2024” cho 10 đơn vị có video clip dự thi đạt giải. Trong đó, 1 giải Nhất được trao cho Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với video clip “Y tế thông minh - Vươn mình chuyển đổi”; 2 giải Nhì được trao cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với video clip “Chuyển đổi số - Mở lối chăm sóc sức khỏe tương lai” và Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng với video clip “Chuyển đổi số thay đổi cuộc sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.