Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến rất gần. Để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh không bị gián đoạn, đồng thời xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong dịp Tết, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí đầy đủ nhân lực, dự trù thuốc, hóa chất, vật tư y tế…
Với phương châm không được từ chối, xử trí chậm trễ người bệnh, lực lượng y tế tại các bệnh viện xác định, Tết vẫn làm việc như ngày thường.
Những ngày cận Tết, từng chiếc xe cứu thương liên tục ra, vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn). Từ rất sớm, bệnh viện đã lên kế hoạch ứng trực, đồng thời dự trữ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Trần Thế Quang cho biết, theo thống kê từ những năm trước, cứ mỗi dịp Tết, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, say rượu, nhiễm bệnh… phải nhập viện điều trị tăng khoảng 130%. Do đó, số lượng bác sĩ trực trong những ngày Tết cũng phải tăng lên. Năm nay, bệnh viện bố trí mỗi tua trực có 8 bác sĩ ngoại và hơn 10 bác sĩ nội, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh.
“Dự kiến, Tết Ất Tỵ sẽ có khoảng hơn 200 bệnh nhân đón Giao thừa cùng bệnh viện. Các bệnh nhân ở lại đón Tết sẽ được chăm sóc chu đáo, tất cả các khoa, phòng đều có bác sĩ, cán bộ y tế trực 24/24 giờ. Lãnh đạo bệnh viện cũng sẽ đi thăm, tặng quà và chúc sức khỏe người bệnh và các y, bác sĩ nhằm động viên tinh thần người bệnh cũng như cán bộ y tế không được ở bên gia đình vào thời khắc bước sang năm mới. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ tổ chức các suất ăn miễn phí cho người bệnh đón Tết tại bệnh viện”, bác sĩ Trần Thế Quang thông tin.
Tương tự, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) những ngày này, công việc của các y, bác sĩ còn tất bật, vất vả hơn những ngày bình thường khác trong năm. Bác sĩ Nguyễn Phú Hải, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ: “Ngoài những ca cấp cứu do bệnh tật, tai nạn sinh hoạt…, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 8-10 ca tai nạn giao thông, thậm chí cao điểm lên tới 15-20 ca/ngày. Do đó, chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ người bệnh 24/24 giờ, kể cả trong những ngày nghỉ Tết. Công tác cấp cứu dịp Tết luôn được đặt ở mức độ cao nhất...”.
Còn tại các bệnh viện khác, như: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn..., công tác khám, cấp cứu cũng như chăm lo cho người bệnh ở lại điều trị trong những ngày Tết đã được lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, đến thời điểm này, bệnh viện đã xây dựng nhiều phương án, kể cả tình huống cấp cứu hàng loạt. Trong đó, tập trung cao độ lực lượng ở khu vực cấp cứu A9, khu vực đột quỵ, trung tâm chống độc, tim mạch… Cùng với đó, bệnh viện đã tổ chức “Chợ Tết yêu thương” với các gian hàng 0 đồng, tặng quà và phục vụ những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân và người thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nhân nặng phải ở lại điều trị dịp Tết.
Vào thời điểm này, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cũng đã lên phương án dự trữ lượng máu cao hơn. Theo lãnh đạo Viện, riêng tháng 1-2025, nơi đây cần khoảng 50.000 đơn vị máu. Trung bình mỗi tuần, viện cần khoảng 9.500 đơn vị máu, nhưng nhu cầu của những tuần sát Tết có thể lên đến 10.000-10.500 đơn vị/tuần. Nhu cầu này tăng do người bệnh thường đến các bệnh viện điều trị, truyền máu định kỳ để có đủ sức khỏe về đón Tết cùng gia đình và sẽ trở lại các bệnh viện ồ ạt sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị trong 9 ngày nghỉ Tết, Sở Y tế Hà Nội bố trí các kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa, sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống bất ngờ xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết và chuẩn bị sẵn đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống, như: Chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa (nếu có)… Còn tại các nhà thuốc, quầy thuốc không được găm hàng, tăng giá bán.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trước và trong Tết, Sở Y tế sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra đột xuất các kíp trực cấp cứu tại những điểm bắn pháo hoa và thường trực cấp cứu của một số bệnh viện. Cùng với công tác sẵn sàng cấp cứu, điều trị, ngành Y tế Thủ đô cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho gia đình dịp Tết; quan tâm chăm sóc sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, nên hạn chế uống rượu, bia, nhất là trong trường hợp phải điều khiển phương tiện giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, nên duy trì việc ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, tập luyện ở mức độ vừa phải trong những ngày nghỉ Tết, đồng thời tăng cường phòng, chống các bệnh mùa đông - xuân, lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn để phòng tránh ngộ độc. Đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính phải tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ... để đón Tết vui tươi, dồi dào sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.