Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu dụng từ những cây cầu vượt nhẹ

Tuấn Lương| 30/05/2016 07:10

(HNM) - Từng chịu không ít

Cầu vượt nhẹ nút giao Thái Hà - Tây Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Hiệu quả của những cây cầu với việc giảm ùn tắc giao thông (UTGT) sau đó đã được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, đó là một trong những giải pháp đột phá, sáng tạo của Hà Nội…

Từ giải pháp cấp bách...

Cuối năm 2011 là thời điểm Hà Nội đối mặt với nạn UTGT khủng khiếp nhất. Toàn thành phố khi đó có tới 124 "điểm đen". Nghiêm trọng hơn, vào giờ cao điểm, nhiều điểm ùn tắc kéo dài… Nhằm đẩy lùi nạn ùn tắc, hàng loạt giải pháp từ cấp bách đến lâu dài đã được Hà Nội nghiên cứu triển khai. Trong đó, chủ trương làm các cầu vượt nhẹ kết cấu thép tại các nút giao thông trọng yếu được coi là giải pháp tình thế, cấp bách của thành phố khi đó.

Thế nhưng, lúc đó đã không ít "lời ra tiếng vào" của các chuyên gia quy hoạch, giao thông đô thị. Người thì bảo hình vóc cầu thiếu tính thẩm mỹ, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị đối với chủ trương nêu trên. Người thì nghi ngờ sự hiệu dụng khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác do thiếu kết nối với các tuyến đường xung quanh. Thậm chí còn có những ý kiến quan ngại sẽ rất lãng phí khi phải phá bỏ cho đúng với quy hoạch giao thông, đô thị chung của thành phố.

Thế nhưng, rất nhiều ý kiến có cơ sở, xuất phát từ trách nhiệm và tình yêu Hà Nội. Tình trạng UTGT tiếp tục diễn biến phức tạp, tình thế cấp bách rồi. "Không đi sao thành đường ?" Tháng 1-2012, hai cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép đầu tiên của Hà Nội tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn được khởi công xây dựng và lặng lẽ hoàn thành để chính thức thông xe đưa vào khai thác từ ngày 26-4-2012 (sau khoảng 3 tháng thi công). Rất nhanh, hai cầu vượt đầu tiên này đã phát huy tác dụng. Nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn và Láng Hạ - Thái Hà thông thoáng, người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều.

Từ đánh giá hiệu quả bước đầu, thành phố quyết định xây dựng hàng loạt cầu vượt ở các nút giao khác. Và trong các năm 2012-2013, lần lượt các cầu vượt nhẹ tại nút Lê Văn Lương - Láng Hạ, Trần Duy Hưng - Láng, Nam Hồng (Đông Anh), Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai… được xây dựng và đưa vào khai thác. Khi những cây cầu lần lượt được hoàn thành thì những "điểm đen" UTGT dần được "thanh lý". Hiệu quả đã rõ, người dân đồng thuận, ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Bình (phố Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, trước đây khi chưa có cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, người dân khốn khổ vì thường xuyên phải sống chung với cảnh ùn tắc, từ khi cây cầu đưa vào sử dụng, phố Láng Hạ đã trở nên thông thoáng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, khi ấy đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội đánh giá: Việc đưa vào vận hành các cầu vượt thép nằm trong nhóm giải pháp cấp bách của Chính phủ và thành phố nhằm hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2012 -2015. Từ khi những cây cầu vượt đi vào hoạt động, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc xuống còn 57 điểm. Không chỉ giảm số điểm ùn tắc, quan trọng hơn, thời gian ùn tắc tại nhiều "điểm đen" cũng đã giảm sâu, đó chính là những con số biết nói.

Còn nhớ trong nhiều hội nghị toàn quốc bàn về chống ùn tắc và tai nạn giao thông được tổ chức trong các năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (khi đó còn là Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) nhiều lần khẳng định, Hà Nội đã rất nỗ lực, sáng tạo trong các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi UTGT, trong đó đặc biệt đã khẩn trương xây dựng và đưa 7 cầu vượt nhẹ vào khai thác chính là giải pháp đột phá, đầy sáng tạo.

Cũng từ hiệu quả của các cầu vượt nhẹ này, UBND TP Hồ Chí Minh đã cử đoàn công tác ra Hà Nội tham quan, học tập mô hình để về triển khai tại địa phương. Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, việc Hà Nội xây dựng các cây cầu vượt nhẹ là giải pháp tình thế, nhưng nó thể hiện sự cố gắng của ngành giao thông Thủ đô trong giải quyết UTGT, vì những giải pháp này phát huy hiệu quả cao. Những ý kiến từng lo ngại trước đây về tính hiệu dụng, tính thẩm mỹ hay sự lãng phí trong việc xây dựng những cầu vượt nhẹ kết cấu thép đều đã cơ bản bị thực tế thuyết phục.

...đến cơ chế đặc thù xây thêm cầu vượt

Với mục tiêu đẩy lùi UTGT, mới đây trên cơ sở đề nghị của UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông cấp bách trên địa bàn. Trong đó có 6 cây cầu vượt tại các nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, An Dương - đường Thanh Niên, Trần Hưng Đạo - Lương Yên, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Cổ Linh (giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu phía bắc cầu Vĩnh Tuy).

Sáu cầu vượt được nêu trên đều nằm ở những nút giao thông trọng điểm của Thủ đô có nguy cơ ùn tắc cao. Theo Sở GT-VT Hà Nội nhận định, trong điều kiện giao thông hỗn hợp phức tạp như hiện nay, nếu không sớm làm cầu vượt để hình thành các nút giao thông khác mức thì không chỉ ùn tắc mà còn không phát huy được hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư. Ví dụ với cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái nằm trên đường Vành đai 1 (dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2016) nếu không sớm hoàn thành và có phương án tổ chức giao thông hợp lý, tuyến Vành đai 1 Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đang được khẩn trương hoàn thiện chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc do xung đột giao thông. Các tuyến đường lân cận như Kim Ngưu, Lò Đúc sẽ không thể thông thoáng.

Hay như nút giao Cổ Linh trên địa bàn quận Long Biên trong các giờ cao điểm thường xảy ra tắc nghẽn. Dù các cơ quan chức năng đã tổ chức phương án phân luồng giao thông khoa học song ùn tắc vẫn xảy ra bởi luồng phương tiện quá lớn từ phía bắc dẫn vào trung tâm thành phố qua ngả cầu Vĩnh Tuy. Nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông càng nghiêm trọng hơn kể từ khi Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên được hoàn thành vào cuối năm 2015, mỗi ngày đón hàng vạn lượt khách đến mua sắm, vui chơi giải trí.

Nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc cũng rơi vào cảnh tương tự, từ lâu đã trở thành "điểm đen" ùn tắc của Hà Nội. "Việc đi lại của người dân sống trong các tòa nhà cao tầng ở các khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Khu tập thể Thủy lợi… đều bám vào mấy tuyến phố có mặt cắt nhỏ như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tích Trí... Nhiều thời điểm trong ngày bị ùn tắc chứ không chỉ vào giờ cao điểm. Vì vậy, người dân mong lắm một cây cầu vượt ở đây" - ông Nguyễn Đức Cường (Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết.

Như đã nói ở trên, từ một giải pháp tình thế, cấp bách, song những cây cầu vượt đã chứng minh hiệu quả to lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm UTGT đô thị. Quá trình triển khai các cầu vượt đó đã đem lại nhiều kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố cũng như các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu. Và từ đó, Hà Nội sẽ có thêm những cây cầu vượt mới đẹp hơn, vững chãi hơn và tiết kiệm hơn cho ngân sách. Cây cầu vượt tại nút giao trên con đường mới mở Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát lệnh khởi công sáng 29-5 là sự khẳng định một chủ trương đúng đắn, một hướng đi đúng nhằm thực hiện thành công mục tiêu từng bước đẩy lùi "vấn nạn" UTGT của Thủ đô Hà Nội. Sau Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái sẽ tiếp tục là các nút giao Cổ Linh, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch… Quyết tâm của các cấp chính quyền thành phố cũng đồng thời là mong mỏi của người dân Thủ đô. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu dụng từ những cây cầu vượt nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.