Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Hiệp sĩ" cứu thương

Theo Tiền phong| 20/05/2018 08:34

Nhiều năm nay, tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), ông Vương Văn Thanh làm một công việc đặc biệt mà chẳng ai ở địa phương làm là lái xe cứu thương tư nhân.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.


Hành nghề từ sự tình cờ

Tôi đến thị trấn Xuân Mai, tìm tới nhà ông Vương Văn Thanh. Gặp “hiệp sĩ” Thanh, thấy ông dáng cao to, dữ tướng, nhưng khi cười gương mặt lại rất hiền. Nhà ông tuy rộng, nhưng vườn tược khá hoang sơ, nổi bật hơn cả là hai chiếc xe cứu thương đỗ ở góc sân. Thấy tôi để ý đến “đồ nghề” này, ông Thanh bèn chỉ vào từng xe và giới thiệu một chiếc dùng để chở người đi cấp cứu, chiếc còn lại chở người tử vong.

“Sở dĩ tôi phải dùng hai xe để khỏi lẫn lộn khi có việc xảy ra” - ông Thanh nói. Rồi ông cho biết, chập tối hôm qua ông vừa chở cấp cứu thành công một ca bệnh nặng.Bệnh nhân đột nhiên đau bụng quằn quại, được người nhà đưa vào một bệnh viện tại thị trấn Xuân Mai cấp cứu mới biết bị xuất huyết tiêu hóa nặng, phải chuyển viện lên tuyến trên. Được gọi cấp cứu, ông Thanh nhanh chóng có mặt, đưa bệnh nhân lên một bệnh viện tại quận Hà Đông (Hà Nội) để chữa trị kịp thời.

Ông Thanh kể, mình đến với công việc cứu thương một cách tình cờ. Trước đây, trong chiến tranh, ông Thanh từng phục vụ trong Đội xe Xung kích của Bộ Giao thông-Vận tải. Nhiệm vụ của Đội xe khi đó là chở xăng dầu, vũ khí cho chiến trường. Cuối năm 1972, khi Đế quốc Mỹ cho B-52 ném bom Hà Nội, ông Thanh nằm trong quân số được Bộ Giao thông-Vận tải tăng cường cho Đội cứu nạn của Thủ đô để cứu giúp người dân tại những khu vực bị ném bom.

Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, ông Thanh từng có mặt tại phố Khâm Thiên để đưa người dân bị thương đến bệnh viện hoặc người tử vong đi chôn cất. “Có lẽ, công việc năm xưa đã khiến tôi có những phản xạ để cứu hộ những trường hợp cần xử lý sau này. Ban đầu chỉ là giúp đỡ, sau trở thành công việc của tôi hiện nay”- Ông Thanh chia sẻ.

Khoảng năm 1990, khi ít việc ở cơ quan, ông Vương Văn Thanh xin nghỉ “một cục”, rồi gom góp tiền mua ô tô chạy tuyến Xuân Mai-Hà Đông. Trong quá trình chạy xe, ông đã không ít lần giúp đỡ người ốm đi viện.

Ông kể, hồi mới chạy xe, có lần ông thấy một người phụ nữ bế đứa con nhỏ đứng ven đường vẫy tay với dáng vẻ cầu cứu. Dừng xe, ông Thanh được người phụ nữ nọ cho biết con chị mắc bệnh hen phế quản nặng nên phải đến bệnh viện gấp để chữa trị. Ông Thanh cho hai mẹ con lên xe, thấy cháu bé mặt tím tái, thở rít từng cơn, nếu không đưa nhanh đến bệnh viện có thể nguy hiểm tính mạng. Khi đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tây (cũ), ông Thanh không lấy tiền xe mà giục người phụ nữ đưa con vào cấp cứu.

Từ đó, thỉnh thoảng ông Thanh lại giúp một “ca” ốm nặng cần đi viện, rồi có lần chở cả người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Khoảng năm 1995, khi khu vực Xuân Mai được đô thị hóa mạnh, đã có thêm nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại địa phương. Sẵn được tín nhiệm, ông Thanh thường xuyên được gọi khi có tai nạn xảy ra khiến công việc chạy xe khách không ít lần phải bỏ chuyến. Một thời gian sau, nghĩ mình phù hợp với công việc mới, ông Thanh làm thủ tục đổi mục đích sử dụng từ xe khách sang xe cứu thương.

“Công việc mới khiến tôi không làm đều như khi chạy xe khách, có những tháng thất thu, nhưng tôi vẫn vui vì nếu mình rỗi việc thì sẽ có ít hơn những người bị bệnh hay gặp tai nạn giao thông”- ông Thanh chia sẻ.

Hôm đó, tại nhà ông Thanh, tôi gặp ông Vũ Mạnh Liêm, một người hàng xóm cũng đến chơi. Ông Liêm cho biết, năm ngoái ông bỗng dưng thấy sút cân, người rất mệt mỏi mà chưa rõ nguyên nhân. Biết chuyện, ông Thanh đoán ông Liêm bị tiểu đường nên mời lên xe cấp cứu chở vào bệnh viện khám.

“Sau khi xét nghiệm, tiểu đường của tôi ở mức nguy hiểm, hôm đó nếu không nhập viện kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng” - ông Liêm nói. Rồi qua câu chuyện của ông Liêm, tôi mới biết người phụ nữ có con bị hen phế quản mà ông Thanh vừa kể là bà Lê Thị Đê, nhà cũng ở gần đây. Được mời đến nhà ông Thanh, bà Đê cho biết hồi đó nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của ông Thanh thì con gái bà cũng nguy hiểm tính mạng.

“Có duyên thế nào mà năm 2000, gia đình anh Thanh lại chuyển về đây. Gặp anh, tôi nhớ ngay người đã giúp mình trước đây nên hỏi thử và được anh xác nhận. Việc làm của anh năm xưa khiến tôi mang ơn mãi, nhưng không biết trả cách nào, chỉ biết thỉnh thoảng lại sang đây chơi” - bà Đê bày tỏ.

Gặp nguy hiểm, chịu thiệt khi giúp người dân

Quanh khu vực Xuân Mai, khi có tai nạn chết người xảy ra, ông Vương Văn Thanh cũng không nề hà phối hợp với đơn vị có trách nhiệm chuyển nạn nhân tới nơi cần thiết. Với công việc này, ông phải sắm thêm một chiếc xe khác để chuyên chở tử thi. Nhấp ly trà đậm, ông Thanh kể cho tôi nghe một số vụ tai nạn giao thông chết người thương tâm khiến ông nhớ mãi.

Trong đó, có vụ tai nạn diễn ra vào năm ngoái khi một thanh niên bị xe tải đâm tử vong tại khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Lúc công an tới giải quyết, thấy nạn nhân không mang giấy tờ tùy thân, lại bị biến dạng toàn bộ khuôn mặt nên chưa thể xác định là ai. Người dân trong khu vực cho biết, nạn nhân từng đi lang thang quanh đây đã vài ngày nay, có bộ dạng của người mắc chứng tâm thần. Ông Thanh được mời đến, đưa nạn nhân vào áo quan, cho lên xe để chuyển đi chỗ khác. Tuy nhiên, ba ngày sau vẫn chưa xác định được danh tính nạn nhân nên cơ quan chức năng phải quyết định tạm chôn.

Hai ngày sau, một học sinh phổ thông trung học bất ngờ đến gặp ông Thanh, cho biết: “Mấy ngày trước, khi đi học qua gần nơi xảy ra tai nạn, cháu thấy một anh ngồi đó nên lấy máy điện thoại chụp một kiểu chơi, chẳng rõ đây phải là nạn nhân?”. Ông Thanh xem ảnh, thấy người thanh niên mặc áo, đi dép tổ ong khớp với nạn nhân tử vong nên vội báo cho cơ quan chức năng. Sau khi đưa tin lên truyền thông, người nhà nạn nhân đã liên lạc với cơ quan chức năng để giải quyết các công việc cần thiết, rồi nhận người thân về chôn cất.

Vợ chồng ông Vương Văn Thanh cùng con gái Xuân Mai vệ sinh cáng và xe cứu thươn. Ảnh: Kiến Nghĩa.


Khi được hỏi: “Làm công việc này, tiếp xúc với người chết,ông có sợ không”, ông Thanh trả lời: “Lúc đầu cũng thấy sợ, nhưng dần thấy quen.Nhưng có khi cứu người sống còn sợ hơn người chết”. Rồi ông kể, có lần được người dân gọi điện báo, ông Thanh tới nơi thấy một thanh niên nghiện ma túy đá nằm gục bên bãi rác nên vội đưa đi cấp cứu. Gần tới bệnh viện, thanh niên này tỉnh lại, gây sự với ông Thanh.

Ông Thanh bảo: “Anh bị sốc thuốc, phải cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng. Chẳng ngờ người này hét to: “Tôi chết thì liên quan gì đến ông”, rồi mở cửa xe và chạy luôn… Lần khác, khi cứu một thanh niên bị “ngáo đá”, lúc xe đến gần cầu Mai Lĩnh thì người này bất ngờ rút dao kề vào cổ ông Thanh hòng cướp xe. Trước tình thế nguy hiểm, ông Thanh bình tĩnh gạt dao đối phương rồi hô cướp. Biết không cướp được xe, tên nghiện vội nhảy ra ngoài rồi tẩu thoát.

“Giúp những trường hợp này, tôi xác định sẽ không có thù lao, nhiều khi còn gặp nguy hiểm. Tuy vậy tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc này khi biết tin” - ông Thanh cho biết.

Trong nhiều năm đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, bên cạnh việc được người nhà của họ tới thanh toán đàng hoàng, cũng không ít lần ông Thanh chịu mất không. Đưa tôi xem tập chứng minh thư lẫn bằng lái xe máy cỡ vài chục chiếc, ông Thanh cho biết: “Có những người bị nạn không đủ hoặc không có tiền thanh toán tiền xe đã gửi lại giấy tờ cho tôi để làm tin, nhưng sau bỏ luôn không đến lấy. Cũng có người trở lại để lấy bằng lái xe, nhưng khi tôi nói tiền công với giá phải chăng còn chê đắt, và nói: “Thôi, bố cứ giữ lấy bằng đó mà dùng, con làm bằng mới còn rẻ hơn”, rồi thản nhiên bỏ đi”.

Ông Vương Văn Thanh bên chiếc xe cứu thương.


Dù không ít lần gặp khó trong công việc, nhưng hơn hai chục năm qua ông Vương Văn Thanh vẫn lặng lẽ giúp đỡ mọi người mà không tính toán chuyện thiệt hơn. Gần đây, những việc làm trên khiến ông được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017 - một sự ghi nhận xứng đáng đối với “hiệp sĩ” Vương Văn Thanh.

Chất “hiệp sĩ” lan tỏa tới người thân

Bữa tới nhà ông Thanh, tôi có dịp trò chuyện với vợ ông và người con nuôi Vương Xuân Mai. Năm 2000, khi gia đình ông Thanh còn ở tại khu vực ngã ba Xuân Mai, một hôm vợ chồng ông thấy một bé gái mới sinh được ai đó đặt trước cửa nhà. Thương đứa trẻ bất hạnh, vợ chồng ông bèn nhận làm con nuôi, lấy họ Vương của ông Thanh và tên thị trấn Xuân Mai để đặt tên cho con. Xuân Mai nay đã 18 tuổi, sắp tốt nghiệp phổ thông trung học, có gương mặt xinh xắn nhưng dáng dấp lại cứng cỏi như con trai.

Xuân Mai cho biết: “Cháu muốn sau này được kế tục công việc của bố nhưng ông chưa đồng ý vì sợ cháu vất vả, bảo cứ học nữa đi rồi hãy hay. Cách đây hai năm, cháu đã bắt đầu đi phụ giúp bố khi có ca cứu thương, về nhà lại vệ sinh xe, cáng cứu thương cho sạch”.

Bà Lệ Hằng, vợ ông Thanh cho biết, mỗi khi làm cứu thương về, gia đình bà đều phải tự rửa xe. Bởi nhiều nơi thấy xe có vết máu hoặc sợ bẩn nên không muốn rửa, do vậy gia đình phải mua máy bơm về để làm lấy. Khi được hỏi: “Công việc của chồng vất vả, nhiều khi lại không có thù lao chị có thấy buồn?”, bà Hằng trả lời: “Trước đây, nhiều hôm đang đêm phải dậy để mở cửa cho chồng, sau đó lại phải rửa xe mà lại không thu được đồng nào thì tôi cũng buồn chứ. Những lúc đó chồng tôi lại nói: “Người ta gặp chuyện không may, thôi coi như mình giúp họ”, nên tôi cũng thấy nguôi và từ lâu đã hết buồn”.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Hiệp sĩ" cứu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.