(HNMO)- Sáng 25/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May VN và UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến DN dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt May VN cũng công bố Đề án khảo sát ngành dệt may VN năm 2013 nhằm phục vụ việc đàm phán của Chính phủ trong Hiệp định TPP cũng như giúp DN nhận thức về ngành và những thách thức sẽ phải đối mặt.
Hiệp định TPP – cơ hội vàng nhưng thách thức lớn cho dệt may VN
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May cho biết, Mỹ hiện đang khởi xướng tiến trình tham gia Hiệp ước TPP cùng 11 quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Hiện thuế suất trung bình của hàng dệt may VN vào Mỹ là 17,5% và EU là 9,6%. Với TPP, các bên tham gia đàm phán muốn đưa thuế suất của tất cả các mặt hàng về 0%, còn với đàm phán FTA Việt Nam – EU, các bên mong muốn đưa ngay 90% các dòng thuế về thuế suất 0% trong đó có dệt may.
Đáng chú ý, với tất cả các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới, Trung Quốc luôn là đối thủ đáng gờm. Việc Trung Quốc chưa tham gia đàm phán TPP và EU chưa có ý định đàm phán FTA (Hiệp định thương mại tự do) với Trung Quốc mang lại cơ hội lớn giúp VN gia tăng xuất khẩu vào Mỹ và EU khi các Hiệp định TPP và FTA với EU được ký kết (hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN mới chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc). Bên cạnh đó, dệt may VN còn có thêm điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu sang các nước như: Canada, Australia, Peru và Chilê là những nước đang tham gia quá trình đàm phán TPP.
Tuy nhiên, cũng như giống như đàm phán FTA với Nhật Bản, cả TPP và FTA với EU đều đặt ra quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may thậm chí những quy định này còn khắt khe hơn so với FTA ký với Nhật Bản. Đó là, TPP đề xuất áp dụng công thức “từ sợi trở đi”. Điều này có nghĩa các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt- nhuộm- hoàn tất và may phải làm tại các nước thành viên TPP. Chính điều này đã gây nhiều trở ngại cho dệt may VN bởi phân khúc dệt – nhuộm - hoàn tất đang là “nút thắt cổ chai” của toàn ngành. Hệ quả của tình trạng này là ngành may VN phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) từ nước ngoài (khoảng gần 88% tổng nhu cầu) mà phần lớn những nước này lại không nằm trong TPP.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, các bên tham gia đàm phán đã đưa ra sáng kiến áp dụng có thời hạn (có thể là 3 năm) giải pháp “nguồn cung thiếu hụt”. Giải pháp này cho phép một số nước như Việt Nam, Malaysia, Mexico được tiếp tục mua nguyên liệu từ bên ngoài khối để sản xuất hàng may mặc xuất vào khối các nước TPP với mức thuế suất bằng 0. Tuy vậy, đoàn đàm phán cũng đang làm rõ tiếp danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, số lượng hiện tại, dự kiến áp dụng…
Nhận diện dệt may VN
Với ngành dệt may VN, kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách đổi mới, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay đã có sự phát triển vượt bậc. Dệt may VN đã vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Với gần 4.000 doanh nghiệp và khoảng 2,5 triệu lao động, năm 2012 dệt may VN đã tạo doanh thu gần 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP.
Mặc dù đạt doanh thu lớn nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều do lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nặng về phương thức gia công. Đó là, cả nước hiện có 5,1 triệu cọc sợi và hàng năm sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu gồm bông tự nhiên chiếm 420.000 tấn và xơ các loại chiếm 400.000 tấn. Thế nhưng năm 2012, bông nhập khẩu là 415.000 tấn chiếm 99% và bông trong nước chỉ đáp ứng được 1% tương ứng 5.000 tấn. Về xơ các loại, tổng nhập khẩu năm 2012 là 220.000 tấn, chiếm 54%. Ngành may năm 2012 có nhu cầu sử dụng khoảng 6,8 tỷ mét vải trong khi tổng sản lượng vải sản xuất trong nước đạt khoảng 0,8 tỷ mét, nhập khẩu 6 tỷ mét, tương đương 88%.
Theo tính toán sơ bộ, khoảng 70% hàng dệt may xuất khẩu của VN được thực hiện theo phương thức cắt, ráp và hoàn thiện (CMT). Trong số 4.000 DN hiện có, có 650 DN nước ngoài, số DN VN còn lại đa phần thực hiện phương thức CMT. Tình trạng này nếu không cải thiện trong ngắn và trung hạn sẽ khó khai thác được lợi thế do TPP và FTA mang lại nếu công thức “từ sợi trở đi” hoặc yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ được áp dụng. Trong dài hạn, “gót chân Asin” của ngành dệt may không kích thích được người lao động, dễ bị tổn thương khi xuất hiện những thị trường lao động giá rẻ hơn và điều quan trọng hơn là không tạo được sự phát triển bền vững của ngành.
Hiện cục diện ngành dệt may toàn cầu đang có những thay đổi lớn. Thế giới hình thành 3 khu vực sản xuất chính là Trung Quốc, nhóm các nước Tây Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ) và khối ASEAN; các khu vực sản xuất này đồng thời cũng là những trung tâm tiêu thụ lớn của thế giới. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm này đã thúc đẩy sự ra đời của các khối liên kết khu vực kèm theo những biện pháp bảo hộ mậu dịch trong mỗi khối.
Bên cạnh đó là sự lên ngôi của ngành thời trang quyết định quá trình phát triển của ngành dệt may toàn cầu. Việc rút ngắn vòng đời sản phẩm của ngành thời trang đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cũng như thời gian đáp ứng đơn hàng và dệt may VN không nằm ngoài xu hướng này.
Trước bối cảnh mới, để tiếp tục duy trì vị thế, tạo dựng ngành dệt may VN phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi dệt may toàn cầu đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản. Đó là vải phải sản xuất trong nước, ngành thiết kế cần được củng cố và nâng cấp; thị trường nội địa cần phải quản lý, khai thác, phương thức gia công cần được thu hẹp.
Doanh nghiệp dệt may Hà Nội cần chuẩn bị gì trong sân chơi hội nhập?
Ông Nguyễn Đình Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trên địa bàn Thủ đô đã khảo sát được 821 DN dệt may. Ở Hà Nội, số lượng DN dệt may nhiều chỉ đứng sau TP HCM, ảnh hưởng đến toàn quốc. Theo quy hoạch đến 2020, Hà Nội sẽ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, trung tâm thời trang của cả nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, TP Hà Nội đã hỗ trợ cho DN. Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 9 tháng đầu năm được 7,9%, sản xuất chung còn giữ được tuy còn nhiều khó khăn. TP đã hỗ trợ lãi suất DN đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp đây ngân sách cũng sẽ bơm hàng trăm tỷ hỗ trợ vốn lưu động cho DN. Hiệp định TPP hay WTO mang đến cả thuận lợi và thách thức cho DN và DN cần tìm hướng đi thích hợp trong sân chơi chung này.
Tại hội thảo, đại diện của Tổng công ty May 10 bày tỏ kỳ vọng vào việc nếu TPP được ký vào cuối năm nay, theo như lộ trình các bên đặt ra, thuế suất đối với sản phẩm áo sơ mi và quần âu (sản phẩm chủ lực của May 10 tại thị trường Hoa Kỳ) có thể giảm từ khoảng 20% hiện nay xuống mức 0-5%. Trong khi đó, các quy định có thể được áp dụng về chứng minh xuất xứ của vải và sợi đối với sản phẩm may mặc sẽ kích thích các DN đầu tư vào nhóm hàng này, liên kết với nhau và hình thành chuỗi sản xuất, phục vụ việc xác minh xuất xứ sản phẩm gốc tại Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi về thuế.
Để chuẩn bị cho lộ trình trên, năm ngoái, May 10 cũng đã xây dựng một nhà máy sản xuất trang phục phụ nữ ở Thanh Hóa, định hướng xuất khẩu đi Mỹ. Trước đó, một nhà máy sản xuất Veston công suất lớn cũng nhắm đến thị trường này. Theo Chiến lược phát triển của Tập đoàn dệt may Việt Nam đến năm 2020 vừa được Bộ Công thương thông qua, liên kết chuỗi cung ứng giữa các DN xe sợi, dệt, may và thiết kế cũng đã được tính đến. Khi chuỗi liên kết này được hoàn thiện, các DN như May 10 sẽ không cần đầu tư cho xe sợi, dệt… mà thay vào đó là sử dụng nguyên liệu trong nước nhiều hơn, nâng được giá trị gia tăng trong nước.
Tại hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, trong sân chơi hội nhập, các DN dệt may cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tính liên kết của mình và Hiệp hội dệt may cần phải thực sự là cơ quan tham vấn đắc lực, hiệu quả cho DN và Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.