(HNMO) - Ngày 23-3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình Unesco Travel Fest 2023 (UTF2023) do Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức trong hai ngày 23 và 24-3, diễn ra tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới”.
Tham dự tọa đàm, đại diện cơ quan xúc tiến du lịch quốc tế đến từ Indonesia và Malaysia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phục hồi du lịch từ các quốc gia này. Theo bà Melati Irawati Masoed, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Indonesia, ngay từ năm 2022, quốc gia này đã đón đầu xu hướng phục hồi ngành Du lịch bằng việc kết hợp với ngành Kinh tế sáng tạo xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới đáp ứng sự nhu cầu của du khách sau dịch. Bên cạnh đó, Indonesia cũng tăng cường việc mở các đường bay thẳng đến các thị trường tiềm năng như Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để thu hút khách. Năm 2023, Bộ Du lịch Indonesia đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, riêng khách du lịch đến từ Thủ đô Hà Nội đạt khoảng 1.500 khách/tháng.
Đánh giá cao thị trường khách Việt Nam, ông Norisyam Odzali, Phó Giám đốc Cục Xúc tiến Du Lịch Malaysia cho biết, năm 2023, nước này đặt mục tiêu đón 238.000 khách du lịch Việt Nam trong tổng số 16 triệu lượt khách quốc tế đến Malaysia. Để đạt mục tiêu này, Malaysia sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt hướng tới thị trường khách Việt Nam bằng các gói sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu như Chương trình du lịch mùa hè năm 2023, du lịch mua sắm, du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường hay du lịch đảo.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các tập đoàn, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đã hiến kế để du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch. Một trong những vấn đề được quan tâm là giá vé máy bay trong giai đoạn hiện nay.
Theo nhiều doanh nghiệp, sau dịch Covid-19, giá vé máy bay tăng cao khiến giá tour bị đội lên khá nhiều. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của khách du lịch. Theo bà Nghiêm Thu Hòa, Giám đốc cao cấp Thương mại Bamboo Airways, các doanh nghiệp nên có kế hoạch xa hơn cùng sự chuẩn bị trước để chủ động lấy được giá vé tốt nhất tại các hãng hàng không. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Mường Thanh, để giảm giá chi phí tour cho du khách, các hãng hàng không nên “bắt tay” với các khách sạn, resort để tạo ra các gói sản phẩm trọn gói chất lượng cao.
Hiến kế để du lịch nhanh chóng phục hồi, theo bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sun World Holding, cần chú trọng 3 vấn đề mấu chốt, đó là: Xây dựng sản phẩm chất lượng tốt; đẩy mạnh truyền thông makerting điểm đến; tăng cường kết nối giữa chính quyền các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các đoàn famtrip, presstrip để lan tỏa thương hiệu điểm đến một cách rộng rãi.
Từ kinh nghiệm thực tế của Phú Quốc, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vina Phú Quốc cho rằng: “Phú Quốc phục hồi mạnh mẽ sau dịch một phần nhờ các doanh nghiệp lữ hành đã tạo ra xu hướng và sản phẩm hấp dẫn để đưa du khách đến với Phú Quốc. Nhưng quan trọng là các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng sản phẩm chú trọng đến yếu tố cảm xúc khiến nhiều du khách muốn quay trở lại”.
Trong hai ngày 23 và 24-3, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình Unesco Travel Fest 2023 (UTF 2023) mang thông điệp: “Cùng nhau trở lại - Together Again”. Chương trình gồm chuỗi sự kiện: Business Matching (Kết nối doanh nghiệp - B2B), Talkshow (tọa đàm), Famtrip (khảo sát điểm đến) và Gala dinner (Dạ tiệc) nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, dịch vụ, điểm đến trong nước và quốc tế, hướng tới sự phục hồi, phát triển của ngành Du lịch trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.