(HNM) - Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án nổ đài cassette, xảy ra ngày 12-1, khiến anh Đỗ Hữu Tỉnh (31 tuổi, trú xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn) tử vong, hai người khác bị trọng thương. Thủ phạm trong vụ án, chưa được xác định, đã rất tinh vi khi cài vật liệu nổ vào trong chiếc cassette sau đó đóng gói gửi qua đường xe khách.
Vụ án mạng trên dấy lên nỗi lo ngại trong dư luận về vấn đề quản lý dịch vụ chuyển phát nhanh thông qua các công ty vận tải hành khách còn nhiều lỗ hổng, dù đây là loại hình dịch vụ khá phổ biến nhưng lại không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo quy định, dịch vụ chuyển phát quốc tế hay trong nước đều phải có giấy phép và tuân thủ theo Nghị định 128/2007/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 2-8-2007, trong đó Nhà nước cấm vận chuyển hàng lậu, chất gây nổ, chất dễ cháy… Đặc biệt, người gửi phải có địa chỉ rõ ràng. Thế nhưng lâu nay, các nhà xe vẫn thản nhiên nhận chuyển phát thư từ, hành lý mà không có giấy phép.
Để gửi hàng hay quà qua các công ty dịch vụ chuyển phát, người gửi phải kê khai hàng hóa, ghi hóa đơn. Nếu chuyển phát theo đường hàng không còn phải qua khâu kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chức năng ở sân bay vì liên quan đến an toàn hàng không. Vì nhiều lý do nên thời gian chuyển phát không nhanh, cộng thêm sự buông lỏng quản lý nên nhiều đơn vị vận tải hành khách đã làm thêm dịch vụ chuyển phát lậu, dù giấy phép kinh doanh của họ không hề có chức năng này. Không phải bây giờ mới có mà từ vài năm nay, rất nhiều nhà xe chạy tuyến Nam - Bắc, từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại đã làm thêm dịch vụ chuyển phát.
Nói một cách công tâm, chuyển phát qua các nhà xe có nhiều ưu điểm: Nhân viên nhà xe không cần biết hàng đó là gì, cũng không cần biết tên người gửi, địa chỉ ở đâu, số điện thoại thế nào. Thời gian từ lúc gửi đến lúc nhận hàng khá nhanh, giá lại rẻ hơn các công ty chuyển phát chuyên nghiệp. Việc thanh toán cũng rất linh động, người gửi hay người nhận trả tiền tùy theo thỏa thuận. Dịch vụ này ngày càng nở rộ và nhiều người chọn cách này vì sự thuận tiện. Chính vì sự dễ dãi đó nên nhiều kẻ buôn lậu đã lợi dụng để chuyển hàng cấm, hàng lậu, nếu không may bị cơ quan chức năng phát hiện thì chỉ bị mất hàng, còn chủ hàng vẫn bình yên vô sự và cơ quan chức năng cũng khó mà quy trách nhiệm cho nhà xe bởi họ chỉ là người vận chuyển thuê.
Đơn cử như năm 2013, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an đã bắt nhiều vụ vận chuyển điện thoại di động lậu, mới đây còn phát hiện thu giữ cả pháo, được vận chuyển trên xe khách. Mặc dù hàng hóa có đối tượng tiếp nhận cụ thể nhưng khi bị phát giác, phía người nhận hoàn toàn có thể "phủi tay", nói rằng có thể ai đó đã "gửi nhầm". Không chỉ tiếp tay cho buôn bán bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách mà điều đáng nói nữa là hoạt động chuyển phát lậu còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Câu chuyện chết người ở Thanh Hóa đòi hỏi cơ quan chức năng phải sớm ngăn chặn thực trạng chuyển phát lậu; đồng thời cũng là lời cảnh báo cho mọi người dân phải hết sức cảnh giác, cẩn trọng trước những món quà không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.