(HNM) - Trong lúc nỗi đau vẫn còn bao trùm đất nước New Zealand sau vụ xả súng kinh hoàng cuối tuần qua khiến ít nhất 50 người thiệt mạng, dư luận thế giới lại phải bàng hoàng chứng kiến thêm một vụ tấn công tại thành phố Utrecht, Hà Lan, cướp đi sinh mạng của 3 người.
Dù đối tượng bị tấn công không giống nhau nhưng hai vụ việc diễn ra liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy một tuần một lần nữa cho thấy bài toán về lỗ hổng an ninh trước phương thức khủng bố “sói đơn độc” vẫn chưa tìm được lời giải kể từ sau vụ tấn công Tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) hồi tháng 1-2015.
An ninh được tăng cường sau vụ xả súng tại Hà Lan.. |
Hiện Chính phủ Hà Lan đã nâng mức đe dọa khủng bố lên cao nhất ở thành phố Utrecht. An ninh đã được thắt chặt tại các trường học, đền thờ Hồi giáo, sân bay và địa điểm giao thông công cộng. Trong khi đó, tại New Zealand, các biện pháp bảo vệ an toàn cho công dân cũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, việc tăng cường an ninh và triển khai thêm lực lượng thực thi pháp luật trên đường phố không còn là cách thức hiệu quả để bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố đơn lẻ, nhất là trong bối cảnh các tổ chức khủng bố, bao gồm cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang theo đuổi chiến lược bạo lực toàn cầu.
Tuy nhiên, không chỉ những phần tử Hồi giáo cực đoan là thủ phạm như thường thấy, những kẻ tấn công có tư tưởng bài Hồi giáo như trong vụ thảm sát tại New Zealand đã phát đi cảnh báo về nguy hiểm mới. Giới phân tích nhận định, cách đưa tin của truyền thông nhiều nước phương Tây về thế giới Hồi giáo với định kiến tiêu cực, rập khuôn và bôi đen là nguyên nhân quan trọng tạo ra tâm lý bài kích, thù hận đối với cộng đồng này. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, những vụ bạo lực do người Hồi giáo gây ra thường bị khai thác đậm hơn những trường hợp tấn công nhằm vào người Hồi giáo.
Ngoài ra, sự phổ biến của internet và mạng xã hội đã giúp tư tưởng cực đoan phát tán "không biên giới" và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ngay sau vụ xả súng tại New Zealand, hàng triệu video liên quan đã được chia sẻ trên toàn cầu, kéo theo những nội dung bình luận ủng hộ thủ phạm và những kẻ xả súng. Những video này chỉ được Facebook gỡ bỏ sau khi nhà chức trách địa phương bày tỏ quan ngại. Tuy nhiên, nhiều mạng xã hội khác sau đó vẫn phát tán. Cơ quan truyền thông và thông tin Australia đã phải mở cuộc điều tra việc tải lên mạng đoạn video truyền trực tiếp hoặc đăng hình ảnh vụ xả súng ở quốc gia láng giềng.
Một trong những rào cản khiến cho các biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố đơn lẻ bị thiếu hiệu quả đó là mặt trái của việc mở cửa biên giới song lại thiếu cơ chế liên lạc, chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước. Hung thủ thực hiện vụ xả súng tại hai thánh đường Hồi giáo ở thành phố Christchurch không nằm trong danh sách theo dõi của cả New Zealand và Australia, mặc dù đối tượng này được cho là thường xuyên truyền bá các tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội và từng lên kế hoạch tấn công khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới trong những năm qua. Chỉ sau vụ thảm sát, cảnh sát mới phát hiện Brenton Tarrant là một phần tử cực đoan theo đường lối cánh hữu và ủng hộ khủng bố. Đối tượng này thậm chí đã tung lên mạng một đoạn tuyên truyền dài 74 trang, thể hiện sự thù hận với người Hồi giáo nhập cư ở châu Âu và "thần tượng" các phong trào cực đoan ở Mỹ.
Sự gia tăng "con sói đơn độc" đang đặt các cộng đồng trên thế giới vào nguy cơ bị tấn công ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào. Thế nhưng, đã từ lâu, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi nào giải quyết được các cuộc chiến tranh tại Trung Đông, từ Syria, Yemen đến xung đột giữa Israel và Palestine cũng như các các vấn đề phát sinh từ sự can dự của phương Tây tại Iraq từ năm 2003 và Libya năm 2011 thì những mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố mới có thể bị đẩy lùi..
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.