(HNM) - Hết lòng với đam mê và sự kiên cường vượt qua mọi trở ngại, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã góp nhiều công sức trong nghiên cứu, tìm ra phương pháp điều chế nano bạc, nguyên liệu hết sức cần thiết trong ứng dụng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người.
Kiên trì với điều chế nano bạc
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung đã nghiên cứu và sản xuất ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ nano bạc để phòng, chống dịch bệnh. Ngoài khẩu trang nano bạc, còn có nước rửa tay khô, nước súc miệng sạch khuẩn Proposilver không chứa cồn và các gốc Halogen, nước súc miệng nano bạc cấy trên nền sáp ong, nước xịt kháng khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19… đang rất “hot” trên thị trường.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, bạc là nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên rất mạnh và dưới dạng nano thì khả năng kháng khuẩn tăng lên gấp bội. Vì vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ nano, các nhà khoa học đã nghiên cứu, chế tạo nano bạc phục vụ cho mục đích khử trùng.
Trong danh sách nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, có hàng chục đề tài nghiên cứu về nano bạc. Bằng sự quan sát nhạy bén, kết hợp với những kiến thức khoa học, chị đã ứng dụng kết quả của các nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích trong đời sống. “Tôi gắn bó với công nghệ nano từ năm 2006, lúc đó đã 33 tuổi. Ở thời điểm đó, sự hiểu biết về nano của chính bản thân và các cộng sự còn hạn chế, trang thiết bị không có, kinh phí thiếu... Song, lãnh đạo viện xác định nano sẽ là hướng nghiên cứu quan trọng, nên dù khó khăn như thế nào vẫn phải làm”, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Buổi đầu gặp không ít khó khăn, nhưng Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Qua tham khảo tài liệu nước ngoài và sự hướng dẫn của các giáo sư đang làm việc tại Mỹ, chị đã tìm ra phương pháp điều chế nano bạc bằng cách dùng dung dịch nước để hòa tan muối bạc, rồi sử dụng chất phân tán tạo ra các hạt bạc. Kết quả thật bất ngờ, các hạt bạc mà chị điều chế ra có kích thước nhỏ, đều, không bị lắng tụ, đạt tiêu chuẩn là vật liệu nano. Điều đáng nói hơn, phương pháp này có chi phí thấp hơn 30 lần so với phương pháp cũ và có thể sản xuất số lượng lớn. Việc thử nghiệm ở nhiều bệnh viện lớn đều chứng minh nano bạc của Viện Công nghệ môi trường có hoạt lực rất mạnh, tiêu diệt được hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người, mà không gây độc với người và môi trường.
Nghiên cứu để cống hiến
Với tâm niệm, nghiên cứu không phải để công bố, mà quan trọng nhất là cống hiến, phục vụ cộng đồng, bởi vậy, các sản phẩm mà Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung và các cộng sự nghiên cứu thành công đều rất đời thường, thân thiện với môi trường, phù hợp với người Việt Nam, giá thành thấp và hiệu quả sử dụng cao. Riêng Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung đã được cấp nhiều bằng sáng chế, đồng thời là tác giả của 2 công trình khoa học quốc tế, hơn 20 công trình trong nước… Chị vinh dự là một trong hai nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017, được nhận giải thưởng L’OREAL - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”.
Hơn chục năm trước, khi nghiên cứu giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân, trước tình hình ô nhiễm không khí cũng như sự tấn công của các loại dịch bệnh nguy hiểm, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung và đồng nghiệp đã sáng tạo ra chiếc khẩu trang kháng khuẩn nano bạc. Điểm khác biệt với các loại khẩu trang khác trên thị trường, đó là thiết kế của sản phẩm có thêm một lõi lọc có chứa nano bạc và than hoạt tính. “Lõi lọc này giúp ngăn ngừa vi khuẩn, vi rút từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua mũi miệng và ngược lại, đồng thời có thể tự làm sạch các vi khuẩn, vi rút bị giữ lại trên đó. Người sử dụng chỉ cần giặt vỏ vải của khẩu trang hằng ngày, rồi lắp lại lõi lọc và thời gian sử dụng của khẩu trang có thể lên tới một năm”, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung cho biết.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá cao các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano bạc của Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tác, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sử dụng những sản phẩm công nghệ nano bạc để phòng tránh là rất hiệu quả.
Song song với khẩu trang nano bạc, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung còn cùng các đồng nghiệp nghiên cứu công nghệ chế tạo băng gạc chứa nano bạc để điều trị các vết thương và vết loét khó lành trên người. Ưu điểm của loại băng gạc này là dễ dàng kháng viêm, chống lở loét vị trí băng bó vết thương. Thời gian điều trị giảm 10-50% so với điều trị truyền thống, vì làm sạch bề mặt tổn thương nhanh, chống vi khuẩn xâm nhập, giảm nhiễm trùng, giảm số lần thay băng... Quy trình chế tạo băng gạc nano bạc không đòi hỏi đầu tư thiết bị đắt tiền, nhưng vẫn cho chất lượng tốt, giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài từ 8 đến 30 lần.
Đặc biệt, công trình “Nghiên cứu điều chế nano bạc và ứng dụng nano bạc trong khử trùng nước uống” của Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung vô cùng ý nghĩa với người dân vùng lũ, vùng khó khăn về nước sạch. Nghiên cứu này giúp hiệu quả khử trùng nước cao, hạn chế lượng bạc trôi ra trong nước lọc từ 16 đến 19 lần, an toàn cho người dùng và kéo dài tuổi thọ của màng lọc. Ngoài ra, chi phí sản xuất thấp, có thể tạo hình vật liệu lọc theo nhiều dạng khác nhau, tùy theo nhu cầu sử dụng. Kết quả nghiên cứu này còn đủ khả năng tham gia vào thị trường thiết bị lọc nước rất sôi động hiện nay, cho phép tạo ra những thiết bị lọc nước công suất lớn dùng cho công nghiệp nước đóng chai.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung cho biết thêm, trong thời gian tới, chị và các đồng nghiệp sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch và xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.
Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, hành trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi ở người đam mê nhiều hy sinh, công sức và thời gian để theo đuổi những cống hiến cho lợi ích của nhân loại. Với những nhà khoa học nữ, hành trình này vất vả, khó nhọc hơn, bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm với gia đình, bên cạnh nỗ lực cho những đam mê nghiên cứu của mình. Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung cũng không ngoại lệ, nhưng chị vẫn quyết tâm dành thời gian cho khoa học. Với chị, được sống với đam mê thì bao vất vả, mệt nhọc đều tan biến và niềm vui, hạnh phúc được nhân lên bội phần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.