(HNM) - Sau gần 6 năm thực hiện Dự án
Những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho nơi "thâm sơn cùng cốc" này, đang dần dần hiện thực hóa giúp đồng bào La Hủ có cuộc sống ổn định hơn. Thế nhưng, dường như cái đói, cái nghèo vẫn chưa thực sự thoát khỏi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, khiến cho xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã xa ngái lại càng heo hút…
Khó nhiều bề
Mường Tè là huyện xa xôi và hẻo lánh nhất của tỉnh Lai Châu, nhưng Pa Ủ lại là xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè. Cách huyện lỵ khoảng 60km, con đường độc đạo men theo sông Đà dẫn lối vào xã Pa Ủ lúc vắt vẻo trên sườn núi cheo leo, khi lại liên tục cua tay áo xuống dốc sâu hun hút như muốn nuốt chửng chiếc xe, khiến chúng tôi mất gần nửa ngày "lăn lộn" mới tới được đích. Khó khăn về giao thông, thiếu thốn về cơ sở vật chất chính là lý do khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây cứ mãi đói nghèo. Có lẽ cũng vì vậy mà Đồn biên phòng Pa Ủ luôn là một trong 5 đồn biên phòng của cả nước được hưởng trợ cấp đặc biệt. Đồn trưởng, Trung tá Lò Văn Hiêng cho biết: "Những vất vả của người lính biên phòng Pa Ủ không chỉ là quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 28km trên địa hình núi cao, đi lại khó khăn mà chính là làm sao để người La Hủ ổn định cuộc sống, không du canh, du cư…".
Bộ đội biên phòng Pa Ủ hướng dẫn người dân trồng rau. |
Tiếp tục hành trình thêm gần 1 giờ đồng hồ nữa, chúng tôi đến được bản Mu Chi, một trong 12 bản của người La Hủ. Cách trung tâm xã gần 30km, bản làng hẻo lánh này có 45 hộ thì tất cả các hộ đều được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng nhà đại đoàn kết theo "Dự án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ". Đang là mùa đi nương nên ở lại bản chỉ toàn trẻ con, đứa lớn trông đứa bé, chỉ những đứa còn quá nhỏ mới được bố mẹ cho đi theo. Ghé vào ngôi nhà đầu bản, hỏi thằng bé chừng 10 tuổi đang cởi trần mặc độc chiếc quần nhưng rách từ đũng xuống tận chân: "Bố mẹ có nhà không con?", nó ngơ ngác nhìn, nói gì đó bằng tiếng La Hủ rồi đóng cửa đi sang nhà bên. Đi thêm vài nhà nữa, chúng tôi cũng chỉ nhận được những ánh mắt ngơ ngác của trẻ nhỏ. Được sự giúp đỡ của thầy giáo cắm bản Tống Văn Cường, tôi đã gặp được vợ chồng anh chị Sa-Xô khi họ vừa đi nương về. Anh chồng mới 40 tuổi, chị vợ 36 tuổi nhưng đã có 8 đứa con, 2 gái, 6 trai. Đứa út gần 2 tuổi đang còn bú mẹ. Ngoài những đứa con của chủ nhà còn có 3 đứa trẻ hàng xóm mặt mũi nhem nhuốc, đứa có áo thì không có quần, đứa có quần thì không có áo đang nằm chơi trên nền đất. Thầy Cường bảo: "Đã có nhiều đoàn khách đến đây thăm và tặng quần áo cho trẻ, nhưng chỉ mặc được vài hôm là quần áo lại rách rưới, bẩn thỉu ngay. Thậm chí, chúng lại cởi truồng vì đó là thói quen của bọn trẻ nơi đây". Trong ngôi nhà đại đoàn kết của vợ chồng Sa-Xô chỉ thấy một chiếc giường được ghép lại từ những mảnh gỗ tự xẻ, 2 chiếc xoong nhỏ và một chiếc kiềng dùng để nấu ăn được chủ nhà đặt ngay lối cửa. "Nhiều hôm anh chị đi làm nương hay về muộn lũ trẻ khóc nhiều lắm. Những hôm như thế chúng tôi lại nấu cơm mang sang cho chúng ăn. Mà thói quen của người dân nơi đây là con khóc cũng không dỗ đâu, khóc chán rồi nín", thầy Cường bảo thế.
La Hủ hay còn gọi là tộc người Lá Vàng bởi trước kia họ sống chủ yếu trên núi cao, săn bắn thú rừng, làm nhà bằng những cành cây, khi nào lá chuyển sang màu vàng và thú rừng hết thì họ lại chuyển đi nơi khác. Dân tộc La Hủ hiện có hơn 6.000 người, sống rải rác trên các triền núi cao thuộc 4 xã biên giới Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm và Ka Kăng thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những tộc người không có chữ viết mà ngôn ngữ chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác, 94% thiếu đói quanh năm.
Đến bao giờ thoát nghèo?
Trung úy Đinh Danh Cần, Tổ trưởng Tổ vận động quần chúng của Đồn biên phòng Pa Ủ quê tận Thái Bình nhưng đã có hơn một năm gắn bó với vùng núi xa xôi bậc nhất Tây Bắc này. Thời gian gắn bó với bà con chưa nhiều so với đồng đội khác trong đơn vị nhưng cũng đủ để anh nói được tiếng của đồng bào và giúp đỡ họ. Anh kể: Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của tộc người này, năm 2009. BĐBP Lai Châu đã thực hiện Dự án "Bảo tồn phát triển bền vững dân tộc La Hủ". Là địa bàn có 100% dân số là người La Hủ với 289 hộ, 2.970 khẩu, BĐBP Pa Ủ đã không quản ngại khó khăn, đi hết các chòm núi, vách đá tìm và vận động bà con về sống tập trung. Các đồng đội tôi còn xẻ gỗ, cõng tôn vượt đèo, lội suối vài chục cây số vào bản để dựng nhà cho đồng bào. Sau gần 6 năm miệt mài, tận tâm với đồng bào, đến nay người La Hủ ở Pa Ủ đã sống định cư tại 12 bản với gần 90 căn nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, đã có 12 công trình dân sinh, nhà văn hóa bản, lớp học mầm non, tiểu học, nhà công vụ cho giáo viên, trạm y tế xã… được xây dựng. Con đường giao thông nối từ huyện vào xã trị giá hơn 2 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công lao động được hoàn thành khiến việc đi lại của nhân dân Pa Ủ được thuận lợi hơn…
Công sức của bộ đội cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước giành cho người La Hủ là rất lớn. Thế nhưng, việc khai hoang cấy lúa nước thay vì trồng trên nương như trước kia vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là do người dân còn chưa thạo với việc cấy lúa, ruộng nương lại hay bị thú rừng phá hoại. Thêm vào đó, trâu bò không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết cũng chết rất nhiều. Đó chính là những lý do khiến người La Hủ không mấy mặn mà với việc cấy trồng, chăn nuôi. Thế nên, dù đã sống định cư nhưng toàn xã Pa Ủ hiện có 94% hộ nghèo, đói quanh năm, tình trạng dân trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước vẫn rất phổ biến. Đại úy Lý Trùng Tư, cán bộ cắm bản tại Mu Chi nói: "Chúng tôi đã đào ao, thả cá, nuôi lợn để dân bản thấy hiệu quả mà làm theo nhưng số hộ làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay, cả bản mới chỉ có 12 con bò, diện tích cấy lúa chưa đầy nửa héc ta…". Một lý do nữa khiến cái đói, cái nghèo còn đeo bám Pa Ủ đó là thuốc phiện vẫn đang hoành hành khiến nhiều người nghiện ngập, không còn đủ sức lao động. Theo thống kê sơ bộ của Đồn biên phòng Pa Ủ, mỗi năm đồn bắt và xử lý ít nhất 10 vụ án ma túy. Đói nghèo và lạc hậu là nguyên nhân chính khiến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sớm hòa nhập cộng đồng của bộ đội gặp không ít khó khăn. Chỉ tính ở bản Mu Chi có hơn 40 cháu trong độ tuổi đến trường nhưng mới có 6 cháu đầu tiên được học đến lớp 4. Những cháu ở độ tuổi khác đang được các thầy giáo vùng xuôi lên cắm bản, dạy học nhưng điệp khúc "học rồi lại mù, mù rồi lại học" vẫn diễn ra đều đặn. Nói về sự lạc hậu của đồng bào, Đại úy Lù Văn Thêu, cán bộ biên phòng hiện đang giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Giờ đây, trong nhà có người ốm đau bà con đã biết tìm đến bộ đội để chữa bệnh thay vì chạy vào rừng như trước, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều gia đình để con ốm quá nặng mới mang ra trạm xá. Mặt khác, vì trông chờ gạo cứu đói của Nhà nước với tiêu chuẩn 15kg/khẩu/tháng nên người La Hủ đẻ rất nhiều, họ bảo càng nhiều con cán bộ càng cho nhiều gạo"…
*
* *
Rời Pa Ủ, lên đến đỉnh đèo A Ma Cổ, ngoái đầu nhìn lại, Pa Ủ đẹp như một bức tranh. Sự xa xôi, cách trở cũng là lý do khiến đời sống người dân Pa Ủ còn quá nhiều khó khăn vất vả. Hình ảnh những mái nhà lấp lóa trong nắng gió giữa rừng núi với những đứa trẻ lấm lem, hồn nhiên bám theo tôi suốt quãng đường về. Pa Ủ theo tiếng của người dân tộc La Hủ là "ngọn nguồn ánh sáng", thế nhưng thứ ánh sáng nơi bản làng mà đồng bào La Hủ đang sống lại chỉ như ngọn đèn leo lét. Dẫu đã có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là BĐBP trong công cuộc định cư, ổn định cuộc sống của đồng bào La Hủ, nhưng sao vẫn thấy còn nhiều gian nan, vất vả đến thế. Heo hút quá, Pa Ủ ơi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.