Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống thủy lợi của Hà Nội: Nhiều khúc mắc trong quản lý, vận hành

Hoàng Văn| 17/02/2014 06:39

(HNM) - Hệ thống thủy lợi của Hà Nội hiện có 1.338 công trình nhưng vấn đề quản lý, vận hành hệ thống này đã, đang bộc lộ những bất cập, trong đó chủ yếu liên quan đến cơ chế và cơ sở hạ tầng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên.

- Xin ông cho biết về thực trạng quản lý, vận hành toàn hệ thống trạm bơm (tưới, tiêu và tưới tiêu kết hợp) trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay?

- Hà Nội là địa phương có địa hình phức tạp gồm miền núi, trung du và đồng bằng. Diện tích trồng lúa hằng năm của thành phố khoảng 216.000ha, nuôi trồng thủy sản khoảng 5.500ha, sản xuất cây màu, cây công nghiệp khoảng 90.000ha. Hiện nay có 5 công ty đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp của thành phố, gồm: Sông Nhuệ, Sông Đáy, Hà Nội, Mê Linh, Sông Tích và gần 1.000 HTX nông nghiệp và HTX dịch vụ. Hằng năm, các đơn vị này đảm nhận tưới tiêu cho khoảng 133.373ha đất canh tác. Ngoài ra, còn khoảng 100.000ha do điều kiện địa hình, hiện trạng công trình, trang thiết bị máy móc của các công ty thủy lợi không thể chủ động phục vụ tưới tiêu được mà phải chuyển sang hình thức ký hợp đồng tưới tiêu dưới dạng tạo nguồn và tưới tiêu bán chủ động với các tổ chức hợp tác. Các tổ chức này chủ yếu đảm nhận điều hành tưới tiêu phần nội đồng và 80.862ha diện tích canh tác nằm ngoài hệ thống công trình của các công ty thủy lợi.

- Hiện nay, số lượng trạm bơm do các HTX quản lý, vận hành trên địa bàn thành phố khá lớn. Có ý kiến cho rằng, việc giao quyền như vậy đã dẫn đến một số công trình xuống cấp do không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tưới, tiêu. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Trong các năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ liên quan đã ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện để các tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thủy lợi phí đã có tác dụng rất lớn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại trong hoạt động của các tổ chức dùng nước, như: Lực lượng công nhân vận hành phần lớn chưa được đào tạo nên việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi hạn chế. Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn, đặc biệt là quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhưng các tổ chức hợp tác dùng nước chỉ có nguồn kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí và phí thủy lợi nội đồng nên hoạt động khó khăn; cơ sở vật chất của nhiều nơi xuống cấp, hệ thống công trình (trạm bơm, cống) không được nâng cấp, cải tạo thường xuyên…

Đối với Bộ NN&PTNT, quyết định về hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, chỉ hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các doanh nghiệp thủy lợi, còn với các tổ chức hợp tác dùng nước chưa được hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật nên hằng năm việc xác định chi phí cho quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh quyết toán nguồn kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí đối với các tổ chức hợp tác dùng nước cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho sát với thực tế.

- Vậy, những bất cập này ảnh hưởng đến hiệu suất tưới, tiêu và chất lượng công trình thủy lợi như thế nào?

- Với các tồn tại nêu trên, công trình thủy lợi nội đồng do các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý sẽ không đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động nên giảm hiệu suất tưới tiêu.

- Theo ông, để đạt hiệu quả cao nhất, Hà Nội cần thay đổi phương thức quản lý trạm bơm như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay?

- Theo tôi, cần tập trung giải quyết một số nội dung, như: Nâng cao chất lượng quản lý điều hành tưới, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, hoàn chỉnh quy trình quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật và khoán đến các đơn vị và người lao động. Thực hiện thường xuyên chế độ bảo trì, bảo dưỡng công trình, nhằm nâng cao hiệu suất tưới, giảm chi phí đầu tư cho tưới, cấp nước, đồng thời nâng cao công tác quản lý vận hành, phối hợp điều hành giữa các hệ thống, giữa khu vực nội thành và ngoại thành trong công tác chỉ đạo tiêu thoát úng. Các địa phương cần củng cố lại tổ chức thủy nông cơ sở, các HTX dùng nước, nâng cao hiệu quả quản lý các công trình do các HTX tự bơm tưới, tiêu và hệ thống kênh mương, công trình nội đồng. Phân loại và từng bước xử lý, giải tỏa các vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, giảm thiểu các vi phạm mới. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi. Trên cơ sở quy hoạch thủy lợi của thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xây dựng quy hoạch thủy lợi chi tiết các hệ thống thủy nông hiện có trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống thủy lợi của Hà Nội: Nhiều khúc mắc trong quản lý, vận hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.