(HNM) - Hệ thống bán lẻ hiện đại với các loại hình như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, thương mại điện tử… đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành thương mại, đồng thời thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Dù chỉ chiếm 20% thị phần của ngành bán lẻ trong cả nước, nhưng đây đang là một kênh quảng bá rất hữu hiệu cho hàng Việt.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm được bày bán tại Hapromart Giảng Võ. Ảnh: Linh Tâm |
Tính đến đầu năm 2012, cả nước có 639 siêu thị, 212 trung tâm thương mại. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại phân bố rộng khắp cả nước. Trong hệ thống siêu thị hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 70-80%, tuy nhiên tỷ lệ này cũng khác nhau tùy từng loại hình và quy mô. Với loại hình siêu thị, đại siêu thị như BigC, Vinatexmart, Hapromart, Co.opmart… tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 80-95%; còn với loại chuyên doanh như Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Mediamart, Pico… hàng Việt chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng số các mặt hàng bày bán. Trong hệ thống bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoảng 15.000 mã hàng hóa, tỷ trọng hàng "nội" chiếm 60-80%. Doanh thu từ thị trường nội địa đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hàng Việt trong tổng doanh thu của toàn hệ thống bán lẻ đạt bình quân 30-50%. Tương tự, tại hệ thống siêu thị BigC, tỷ trọng hàng Việt chiếm hơn 90%, còn lại hàng ngoại chủ yếu là các mặt hàng hoa quả, rượu bia, bánh kẹo và đồ gia dụng… Sự phát triển của loại hình bán lẻ văn minh, hiện đại đã làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ và góp phần làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của một bộ phận dân cư, nhất là ở khu vực thành thị.
Dù rằng hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống phân phối bán lẻ, nhưng mẫu mã hàng "nội" vẫn đơn điệu, chưa hấp dẫn người tiêu dùng (NTD) như hàng hóa cùng loại được nhập từ nước ngoài. Trong số 90% hàng Việt bày bán tại các siêu thị, hầu hết là đồ uống, hàng đông lạnh, thực phẩm, thời trang… Với những mặt hàng thuộc nhóm khác, hàng Việt vẫn đứng sau hàng xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… Lý giải tình trạng này, theo đại diện các siêu thị là do nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa chú trọng đến mẫu mã… trong khi yêu cầu về hàng hóa trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại phải bảo đảm chất lượng và luôn thay đổi để đáp ứng thị hiếu NTD. Việc đầu tư tạo vùng nguyên liệu hàng hóa ổn định còn yếu nên sự chủ động trong cung ứng hàng hóa bị hạn chế. Chưa kể hàng hóa Việt khi đưa vào tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại phải "gánh" thêm nhiều chi phí, như phí thuê quầy, chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ quảng cáo… nên giá thành sản phẩm tăng cao so với mặt bằng chung, vì vậy khó thu hút được khách hàng. Đặc biệt là vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng khuyến mãi để gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của NTD với hàng Việt…
Để thâm nhập tốt kênh phân phối hiện đại, theo Bộ Công thương, các nhà sản xuất trong nước cần tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, cập nhật công nghệ mới, nhằm tạo ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, cần xây dựng một cầu nối vững chắc với NTD để tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ phía khách hàng. Từ đó, phối hợp điều chỉnh, cải tiến sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NTD. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chủ động ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng giả.
Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại. Đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về xúc tiến thương mại, mặt bằng; ưu đãi thuế, phí, tiếp cận tín dụng… Tạo điều kiện thuận lợi cho DN phân phối trong nước tiếp thu vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn uy tín thế giới; phối hợp cùng các địa phương kết nối DN sản xuất và phân phối, bảo đảm nguồn cung sản phẩm có chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường để chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.