(HNMO) - Tên tuổi triết gia lừng danh Umberto Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tên của đóa hồng” và bộ đôi “Lịch sử cái đẹp”, “Lịch sử cái xấu” xuất bản những năm đầu thế kỷ XXI. Tác phẩm đầu tay của ông đã sớm được giới thiệu với độc giả Việt Nam, mới đây nhất, bản dịch tiếng Việt “Lịch sử cái đẹp” cũng vừa chính thức được ra mắt.
Với hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm, nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học và những nỗ lực kiến giải phạm trù cái đẹp qua một khối lượng lớn những bài luận đa diện nhất, “Lịch sử cái đẹp” được coi là cuốn bách khoa thư về một chủ đề “hiếm có khó tìm” mà tác giả đã dày công nghiên cứu: Cái đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay.
Trên hành trình đưa độc giả khám phá cái đẹp, Umberto Eco đã hé mở cánh cửa của sự đẹp dưới quan điểm của từng thời đại. Theo tác giả, mỗi đối tượng ở mỗi thời kỳ được con người khắc họa theo một tiêu chuẩn riêng. Đến cái xấu cũng có nét đẹp của riêng nó.
Thậm chí, tác giả cho rằng “cái xấu cần cho cái đẹp”, rằng “vũ trụ được tạo như một tổng thể thống nhất và cần phải được nhận thức giá trị một cách trọn vẹn, là nơi mà ngay cả bóng tối cũng góp phần làm cho ánh sáng trở nên rạng rỡ hơn và ngay cả cái có thể bị coi là xấu cũng có thể được coi là đẹp trong khuôn khổ của trật tự chung”.
Theo dòng thời gian, cuốn bách khoa thư “Lịch sử cái đẹp” của Umberto Eco đưa độc giả đi từ thời Hy Lạp cổ đại với những lý tưởng thẩm mỹ của con người đương thời về cái đẹp thường gắn liền với các môn nghệ thuật đến giai đoạn Trung cổ đầy màu sắc. Đó là màu sắc sáng rọi của Chúa, màu sắc rực rỡ và xa xỉ của người giàu, sự gắn liền với màu sắc mà thiên nhiên ban tặng của những người nghèo khó, màu sắc trong thơ ca và thần bí học cùng với màu sắc trong cuộc sống thường nhật.
Cuốn sách khắc họa cái đẹp dưới thời kỳ Phục hưng - giai đoạn lịch sử mang đậm tính cổ điển và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống trí thức châu Âu đương thời, đánh dấu sự đổi mới của chủ nghĩa cổ điển và tân cổ điển thể hiện rõ ràng nhất trong các tác phẩm hội họa hay kiến trúc, đi sâu vào cái đẹp lãng mạn trong chủ nghĩa lãng mạn, cái đẹp trong tôn giáo và những cái đẹp mới.
Ở thời kỳ hiện đại là sự ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá hơn, có thể kể đến là cái đẹp từ sắt và thủy tinh (như tháp Eiffel ở Paris hay Tòa nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật Deco, cái đẹp từ kiến trúc “hữu cơ”…
Khám phá lịch sử của cái đẹp, Umberto Eco cũng chỉ rõ một vấn đề đáng suy ngẫm của thời đại cho độc giả của mình: Từ thế kỷ XX, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải “ngon - bổ - rẻ” và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc cái đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng. Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của cái đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?
Cuốn sách “Lịch sử cái đẹp” do Nhã Nam và Nhà Xuất bản Thế giới liên kết xuất bản.
Ông từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Italia, bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Italia L'Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường Đại học Milano, Firenze, Turino kiêm Tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Ông tham gia giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học danh tiếng như Yale, Columbia, Cambridge, Oxford và Harvard. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta", còn công chúng ngưỡng mộ tôn vinh ông danh hiệu “Nhà văn bác học”. Ông mất ngày 19-2-2016 ở tuổi 84.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.