(HNM) - Hết ngày nghỉ tết Ất Mùi 2015, hàng xóm nhà tôi từ quê trở lại Hà Nội. Chuyện đầu năm vui vẻ về những ăn gì chơi gì trong dịp gặp lại họ hàng, bạn bè từ thuở ấu thơ. Mời anh ly rượu đầu năm, nâng lên đặt xuống mãi mà chỉ thấy khách nhắp môi dù là "dân uống được".
Tôi hỏi: kiêng rượu rồi à, đúng là chuyện lạ? Anh cười không nói gì, vợ ngồi cạnh chỉ tủm tỉm, một lúc mới nói, đại ý tết nhất uống nhiều rượu mạnh rồi, bác cho cái gì đó nhè nhẹ thôi, chai vang đã mở rồi kia kìa… Dân vùng biển ăn to nói lớn, thẳng tuồn tuột, "đòi" chủ nhà đổi rượu mời ngay lần gặp đầu năm mới, ngẫm ra cũng thông cảm được, chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Nhưng, đến tối hôm sau, khi nhà tôi sang "chúc tết lại", được hàng xóm mời rượu lại thì mới lờ mờ nhận ra nguồn cơn của cái sự "đòi đổi rượu" ngày hôm trước. Hôm ấy, anh xì xầm với vợ, nhỏ nhưng đủ để khách nghe, rằng chai "Johnnie đen" hôm đi công tác Singapore anh xách về đâu em nhỉ, mang ra đây mời hai bác. Chữ "xách về" buột ra khỏi miệng, không rõ thế nào nhưng nhất định là "điểm nhấn" giữa một tràng ậm à nọ kia liên quan đến những chuyến đi nước ngoài như đi chợ của anh… Tối hôm ấy, về nhà, vợ tôi bảo: "Bên ấy sành rượu. Hôm qua, ở nhà mình là anh í ngại uống vì sợ rượu mua ở trong nước đấy. Quen uống đồ Tây rồi mà!". Nghe qua, kể cũng có chút phật ý bởi rượu nhà đây do người nhà "ở bển" gửi về, cũng là hàng xách tay chứ kém gì. Là cảm xúc thoảng qua vậy thôi…
Nói chuyện chai rượu "xách tay" trên đây không phải là để bàn đến thú ẩm thực truyền thống mà người viết bài này muốn nói đến những vấn đề khác...
Chuyện rượu ở Việt Nam nói ra suốt ngày chẳng hết, dường như ai cũng có thể kể ra được bởi thứ đồ uống "nặng đô" ấy liên quan đến muôn mặt đời thường, liên quan đến mọi nhà. Rượu để nhâm nhi trong những cuộc gặp trang trọng, rượu không thể thiếu trong những lần chén thù chén tạc. Rượu là thứ dễ xuất hiện lúc người buồn, vui, khi người ta cần một cái cớ để trải lòng với ai đó. Rượu là thứ thường được chọn khi ta tìm quà biếu bạn bè, người thân, đối tác…, Và nó là nguyên nhân của những cơn say và hệ lụy từ nó đối với cá nhân, gia đình và xã hội, như trong dịp tết Ất Mùi vừa qua đã có biết bao vụ tai nạn, những vụ ẩu đả được cho là có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng rượu bia quá đà. Những chuyện ấy, liên quan đến sự xuất hiện của các loại rượu ở Việt Nam và xu hướng tiêu dùng trong quá khứ, hiện tại, đủ cho nét chấm phá cần thiết nếu ai đó muốn phác họa bức tranh toàn cảnh về thứ đồ uống có cồn nhằm đưa ra lời cảnh báo cho tương lai.
Chuyện về rượu "xách tay", đó là kết quả của một quá trình dài mà nhiều người là nạn nhân của vấn nạn rượu giả, rượu nhái những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Người ta không thể biết khái niệm "rượu xách tay" bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng chắc chắn nó có liên quan đến vấn nạn nói trên, sau hàng thập kỷ kể từ khi hình ảnh chai rượu ngoại xuất hiện thường xuyên trên bàn tiệc của dân chơi, đại gia ở ngoài đời cũng như trong điện ảnh, truyền hình Việt Nam, sau khi câu chuyện về "chai rượu ngoại quà biếu" quay tít một vòng từ người bán đến khách mua, qua người được biếu rồi trở lại với chủ nhân ban đầu của nó là người bán hàng - do người được biếu sợ rượu được biếu là hàng rởm nên mang đi bán lại, hoặc là muốn... quy rượu biếu thành tiền. Sau nhiều năm uống rượu ngoại giả mà không biết sợ, người Việt bắt đầu cảnh giác với thứ đồ uống có xuất xứ ngoài biên giới, bất kể là nhãn hiệu nào. Sát tết Ất Mùi, khi những cảnh báo về nạn rượu giả đăng đầy trên các phương tiện truyền thông, bạn tôi kể câu chuyện biếu quà tết cho đối tác của mình. Anh làm cho một công ty nước ngoài, cũng thuộc dạng "đi nước ngoài như cơm bữa", đi đâu cũng tranh thủ mang rượu về - tức có ý thức rõ ràng về ưu thế của "hàng xách tay" khi được dùng làm quà biếu hoặc chiêu đãi bạn bè. Tết này, như đã thành quen từ vài năm nay, anh mang chai rượu mua ở Pháp đi tặng. Tự tin lắm vì là hàng tự mình "xách tay", lại đã cẩn thận lồng chai rượu trong chiếc túi in dòng chữ thể hiện đó là hàng miễn thuế, ai ngờ bị người được tặng chơi cho một vố đau không để đâu cho hết. Lúc anh mang rượu đến, vừa dứt câu "… em mua ở Pháp về", đối tác hỏi thẳng băng rằng "hóa đơn đâu?". Bao nhiêu ý tứ thân tình, nghi thức ứng xử lịch sự tối thiểu cần có trong những trường hợp thế này bị nỗi sợ hãi đuổi ra sông bể tất tật, giữa chủ - khách chỉ còn lại sự gượng gạo.
Nghĩ về nỗi sợ hãi trước vấn nạn rượu ngoại giả, có thể coi đó là một bài học bổ ích mà chúng ta thu nhận được. Một bài học đắt giá và tiêu tốn quá nhiều thời gian, cho thấy ý thức tự bảo vệ mình của "những người thích rượu ngọai" là vô cùng kém. Cách nay chục năm, khi vụ án trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy được dư luận chú ý, người ta đã biết rộng rãi rằng Trịnh Nguyên Thủy đãi khách bằng rượu ngoại rởm, thứ rượu sản xuất tại một tỉnh gần Hà Nội rồi được dán tem nhập khẩu trước khi chuyển tới trang trại của Trịnh Nguyên Thủy tại Hà Nội. Sau đó ít lâu, vào cuối tháng 4 năm 2007, sau khi lực lượng công an đột kích vũ trường New Century (Hà Nội), một lần nữa câu chuyện về rượu ngọai giả lại được gióng lên trên diện rộng… Những vụ việc nói trên xảy ra đã lâu, vậy mà tới đầu năm nay, báo chí vẫn phải đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh sính rượu Tây, chỉ dẫn về cách phân biệt rượu giả - rượu thật. Hậu quả là không thể đong đếm, không chỉ căn cứ vào thông tin về số người bị ngộ độc nặng sau khi uống thứ rượu ngoại mà báo chí đăng tải trong những ngày gần đây, mà còn có thể mường tượng thông qua sự xuất hiện ngày càng nhiều shop rượu ngoại hoành tráng tại các thành phố lớn và sự tấp nập bán - mua ở đó vào dịp trước ngày lễ, tết quan trọng.
Chúng ta tỏ ra chậm chạp trong hành trình tự bảo vệ mình dù thông tin mang ý nghĩa cảnh tỉnh đối với "tín đồ rượu ngoại" không hề thiếu. Vài năm gần đây, khi xu hướng tiêu dùng có sự chuyển đổi vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nỗi sợ "rượu mạnh nhập ngọai", nhiều người bắt đầu chuyển sang dùng rượu vang, coi đó là giải pháp an toàn mà quên đi thực tế là lượng rượu vang bị làm giả không hề thua kém rượu mạnh. Vào năm 2012, khi "cơn sốt" rượu vang bung nổ tại Trung Quốc, báo chí trong nước dẫn nguồn truyền thông nước ngoài, thông tin cho thấy vấn nạn làm giả rượu vang của các hãng danh tiếng là rất đáng lo ngại, các chuyên gia thậm chí đã sử dụng cụm từ "ngành công nghiệp" khi mô tả quy mô của tình trạng sản xuất rượu vang giả, đặc biệt là nhái theo những thương hiệu danh giá. Tại Việt Nam, trước thông tin về sự tràn ngập của các lọai rượu ngọai giả, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu loại rượu này đã phải thêm dòng chữ "nhập nguyên chai" vào phần nội dung thể hiện xuất xứ của loại rượu mà họ nhập về dù điều đó không hẳn mang lại lòng tin từ phía người dùng, đơn giản là tình trạng làm giả tem, nhãn hàng hóa đã ở mức khiến họ hoài nghi.
Các chuyên gia sành sỏi nói rằng rượu vang giả là thứ không dễ phát hiện bằng mắt thường, ngay cả khi đã uống vào thì không phải ai cũng có thể phân biệt thật - giả. Điều đó cho thấy rằng ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng, dù là cao hay thấp, không đủ giúp họ tránh khỏi hiểm họa từ thực trạng rượu ngọai giả và căn bệnh sính ngoại vẫn còn ở mức cao - thể hiện qua xu hướng tìm mua hàng "xách tay" rộ lên từ ít năm nay. Quá trình đó đòi hỏi sự tự ý thức về hiểm họa của người tiêu dùng ở mức cao hơn nữa, nhưng cũng đặt ra bài toán quản lý hàng hóa nhập khẩu nói chung và nhập khẩu rượu nói riêng. Hàng nghìn chai rượu ngoại "bị bỏ quên" ở đâu đó trong dịp trước tết Nguyên đán vừa qua không phải là "chiến công" cần được nhắc đến nhiều. Vài trăm chai rượu ngọai giả và một vài cơ sở làm rượu giả bị phát hiện sau những cuộc ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường mang ý nghĩa "kỳ cuộc" không phải là tín hiệu đáng mừng đầy đủ trong bối cảnh người tiêu dùng đang bối rối toàn diện trước nỗi lo rượu ngoại giả nhưng không thể thoát khỏi thói quen sử dụng nó, thay thế nó bằng các loại rượu được sản xuất trong nước vì nhiều lý do.
Chuyện chai rượu "xách tay" không khác điều đã biết về cái gọi là "nho Mỹ", "táo New Zealand", "me Thái" được bán nhiều ở các chợ đầu mối. Thói sính ngoại đang "giết chết" lòng tự tôn về hàng Việt, đồng thời cũng thể hiện tình trạng báo động về bệnh làm giả trong sản xuất hàng hóa ở nước ta; Rượu trong thực tế đang bị lạm dụng quá mức làm tha hóa các mối qua hệ xã hội, gây nên sự mất mát về sinh mạng, gây nên nỗi đau của nhiều gia đình; Và cần nói đến nữa là khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng, khả năng quản lý của các cơ quan chức năng đối với thị trường ẩm thực cũng đang thực sự báo động.
Để giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi một giải pháp hiệu quả hơn từ các cơ quan quản lý cũng như ý thức tự bảo vệ của người dân, ý thức về giới hạn trong bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến sức khỏe con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.