(HNM) - Trong hai tuần đầu thực hiện việc đổi giờ học tại 900 trường học của 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm, 6 đoàn công tác của Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiểm tra thường xuyên, sau đó sẽ tổ chức hội nghị giao ban rút kinh nghiệm với các đơn vị, trường học để báo cáo UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế và kết quả kiểm tra của đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại một số trường học trong ngày 2-2, ngày thứ hai thực hiện theo lịch học mới, đã hé lộ nhiều bất cập.
Mỗi nơi một kiểu
Theo công văn số 2958/SGD & ĐT - HSSV ký ngày 18-1-2012 về việc thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, giờ học trong các trường học và các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT quy định: thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng của HS mầm non, tiểu học, THCS là 8h, kết thúc lớp học buổi chiều vào 17h. Các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận HS từ 7h30 sáng và quản lý HS đến 17h30 hàng ngày. Câu chữ tưởng chừng như rõ ràng, song lại dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Người hiểu rằng, đúng 17h30 phụ huynh mới có thể đón con (dù con tan học lúc 17h) để giảm bớt lưu lượng người tham gia giao thông giờ cao điểm. Lại có người cho rằng, phụ huynh có thể đón con trong khoảng thời gian từ sau 17h đến 17h30, ai có điều kiện thì đón sớm hơn; việc quy định mốc thời gian cuối cùng là để giúp các ông bố, bà mẹ là công chức nhà nước bớt nhấp nhổm lo cho con ở trường khi mà 17h mới tan công sở.
Thực hiện giờ học mới, bước đầu đã xuất hiện một số bất cập. Ảnh: Tạ Hoàng Long |
Có lẽ cũng vì thế mà sau hai ngày điều chỉnh lịch học, các trường ở mỗi địa bàn lại có cách triển khai không giống nhau. Tại quận Cầu Giấy, qua khảo sát của lãnh đạo Phòng GD-ĐT ở 100% các trường học trên địa bàn, đến 17h15, tại các trường mầm non không còn trẻ nào phải ở lại (toàn quận có 20 nghìn trẻ mầm non); tỷ lệ HS tiểu học còn ở trường đến 17h30 là 5% (trong tổng số khoảng 20 nghìn HS); ở cấp THCS là 3% (trong tổng số 10 nghìn HS). Hầu hết phụ huynh cho biết không gặp trở ngại nào khi đón con vào khoảng thời gian này. Còn ở quận Long Biên, dù tan học từ 17h, song toàn bộ HS Trường Tiểu học Sài Đồng vẫn ngồi lại trong lớp có cô giáo quản lý. Trong khi đó, khá đông phụ huynh đến đón con vẫn chầu chực bên ngoài, chờ đồng hồ đến đúng 17h30 mới được bảo vệ mở cổng cho vào. Được biết, các trường trên địa bàn đều phải thực hiện như vậy vì đây là chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận Long Biên. Lãnh đạo hiểu quy định một cách cứng nhắc như thế nên khổ cả giáo viên, HS và phụ huynh. Con trẻ vừa mệt, vừa đói, nhớn nhác chạy ào ra cổng đón bố mẹ, phụ huynh thì dáo dác tìm con trong tình trạng lộn xộn.
Việc thực hiện quy định "kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày" đối với HS THPT cũng khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Thực tế, nếu hôm nào HS phải học 5 tiết thì không có vấn đề gì, nhưng có những hôm HS học ít hơn 5 tiết, trong khi thời gian bắt đầu vào tiết 1 là 14h30, các em hoàn toàn có thể được về sớm. Thế nhưng, không ít trường lại cứ dứt khoát phải cho HS tan học sau 19h nên yêu cầu HS đến trường lúc giữa chừng của buổi chiều để học.
Những kiến nghị
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy Nguyễn Đức Hải, hai tiết học cuối của buổi chiều khó đạt hiệu quả như mong muốn bởi cả thầy, trò đều đói và mệt. Mặc dù đã điều chỉnh thời khóa biểu, cố gắng ưu tiên giáo viên nữ có con nhỏ không phải dạy 2 tiết cuối, nhưng ban giám hiệu nhà trường cho biết chỉ đáp ứng được phần nào bởi trường có đến hơn 100 người, tỷ lệ giáo viên nữ chiếm đa số. Tình trạng tương tự diễn ra ở Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) khi nhà trường phải khá chật vật mới có thể xếp được một thời khóa biểu, mà theo lời của Hiệu trưởng Trần Anh Tuấn thì sự hợp lý ấy chỉ ở mức tương đối bởi phần lớn giáo viên của trường đều là nữ mà khoảng thời gian 2 tiết cuối buổi chiều (từ hơn 17h30 đến 19h), dù là phụ nữ ở độ tuổi nào cũng đều nhấp nhổm việc gia đình.
Có ý kiến đề xuất nên xem xét điều chỉnh đối tượng HS ở một số địa bàn trong việc thực hiện đổi giờ học nhằm hạn chế tối đa những xáo trộn xảy ra trên diện rộng khi không cần thiết. Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến hết học kỳ I năm học 2011-2012 này, hai huyện Thanh Trì và Từ Liêm có tổng số HS THPT là 16.000 em (trong đó Thanh Trì chỉ có hơn 3.200 em). Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết HS của các trường THPT trên địa bàn hai huyện này đều không tham gia giao thông trên các trục đường chính, vì thế không phải là tác nhân gây tắc đường. Trong khi đó, việc đi học sớm, tan muộn với HS khu vực ngoại thành rất vất vả và nguy hiểm do đường sá không thuận lợi.
Trao quyền chủ động, cho phép các đơn vị trường học được linh hoạt trong việc triển khai, điều tiết các hoạt động của trường cho phù hợp thực tế, đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế những phiền toái cho phụ huynh cũng là điều được ban giám hiệu nhiều trường bày tỏ. Nhiều năm qua, một số trường phổ thông liên cấp THCS-THPT như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm… tổ chức đưa - đón HS của cả hai cấp THCS và THPT bằng xe ô tô và chung một tuyến. Nay thời gian vào học của hai cấp lệch nhau tới 1 giờ, các trường đề nghị cho cấp THPT được điều chỉnh giờ học theo khối THCS cho thuận tiện và giảm tốn kém.
Tổng hợp thống kê từ Sở GD-ĐT Hà Nội, trong hai ngày đầu triển khai việc đổi giờ học theo quy định mới, đã xảy ra tình trạng HS đi học muộn (chủ yếu là HS THPT học ca sáng) vì giờ vào lớp sớm (trước 7h). Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết sẽ tập hợp những phản hồi và các đề xuất, kiến nghị của các nhà trường để báo cáo với các cấp quản lý để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.
Tình hình giao thông ở thành phố được cải thiện (HNM) - Ngày 2-2, Sở GTVT đã có báo cáo nhanh về thực hiện phương án điều chỉnh giờ học, làm việc ở thành phố. Theo đó, tình hình giao thông trên các tuyến đường đã được cải thiện. Tại một số tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc vẫn đông nhưng không tắc nghẽn. Mật độ phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm đã giảm đáng kể trên nhiều tuyến trọng điểm như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Cầu Giấy… Tuy nhiên, trên một số tuyến, hệ thống chiếu sáng chưa điều chỉnh phù hợp với thời gian sinh hoạt vào mùa đông của một số đối tượng thuộc diện điều chỉnh giờ như học sinh, sinh viên, ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông từ 5h đến 6h và từ 18h đến 19h hằng ngày. Nguyễn Đức |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.