Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành| 26/12/2019 09:09

(HNMO) - Sáng 26-12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ mười hai (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền.

Toàn cảnh kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.

Tham dự kỳ họp còn có đại diện Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội...

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, HĐND thành phố vừa tổ chức thành công kỳ họp thứ mười một - kỳ họp thường lệ, thông qua 17 nghị quyết, bảo đảm đúng quy định và hiện nay, các nghị quyết của HĐND thành phố đang được triển khai ở các cấp. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố và triển khai thực hiện một số quy định mới của trung ương mà HĐND thành phố phải quyết định, trên cơ sở thống nhất với UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, tại kỳ họp này, HĐND thành phố tập trung xem xét một số nội dung chuyên đề thuộc thẩm quyền.

Thứ nhất, HĐND thành phố xem xét và quyết nghị về giá các loại đất trên địa bàn thành phố, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024. Bởi theo quy định của Luật Đất đai, bảng giá đất của các địa phương được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ. Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 14/2014/NQ-HĐND ngày 3-12-2014 và UBND thành phố quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29-12-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-12-2019, nên việc xây dựng bảng giá đất mới áp dụng từ 1-1-2020 là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp.

Thứ hai, HĐND thành phố xem xét và quyết nghị về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 3-12-2018, Nghị định 34/2019/NĐ-CP và các kế hoạch của Thành ủy về chủ trương kiện toàn thôn, tổ dân phố gắn với kiện toàn các tổ chức chính trị cơ sở, UBND thành phố đã xây dựng đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố, đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát thực trạng về tổ chức thôn, tổ dân phố trên địa bàn, dự kiến phương án sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm điều kiện quy mô theo quy định.

Việc kiện toàn thôn, tổ dân phố để có quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ dân phố; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân theo chỉ đạo của Thành ủy là rất cần thiết và đúng quy định của luật.

Sau khi thảo luận, xem xét, HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quan trọng về bảng giá các loại đất áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội và sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố năm 2019.

Theo đó, HĐND thành phố đồng ý giá đất nông nghiệp vẫn giữ nguyên như năm 2019, chỉ thay đổi đối với đất phi nông nghiệp, mức điều chỉnh tăng bình quân 15%; đồng ý sáp nhập, đặt tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 huyện, thị xã.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông.

Trong đó, huyện Ba Vì sáp nhập 13 thôn để thành lập 6 thôn mới. Huyện Chương Mỹ sáp nhập 19 thôn, tổ dân phố để thành lập 9 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Gia Lâm sáp nhập 13 thôn, tổ dân phố để thành lập 6 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Mê Linh sáp nhập 6 thôn, tổ dân phố để thành lập 3 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Phú Xuyên sáp nhập 6 thôn, tổ dân phố để thành lập 3 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Phúc Thọ sáp nhập 31 thôn, tổ dân phố để thành lập 16 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Quốc Oai sáp nhập 12 thôn để thành lập 6 thôn mới. Huyện Sóc Sơn sáp nhập 30 thôn, tổ dân phố để thành lập 14 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Thạch Thất sáp nhập 134 thôn, tổ dân phố để thành lập 60 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Thanh Trì sáp nhập 35 thôn, tổ dân phố để thành lập 14 thôn, tổ dân phố mới. Huyện Thường Tín sáp nhập 4 thôn để thành lập 2 thôn mới. Thị xã Sơn Tây sáp nhập 45 thôn, tổ dân phố để thành lập 20 thôn, tổ dân phố mới. HĐND thành phố cũng đồng ý đổi tên 53 thôn, tổ dân phố thuộc 2 huyện Phúc Thọ (41 thôn, tổ dân phố) và Thạch Thất (12 thôn).

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sau một buổi sáng làm việc, HĐND thành phố khóa XV đã hoàn thành nội dung đề ra và bế mạc kỳ họp. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết. Riêng đối với Nghị quyết sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố năm 2019, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với UBND các cấp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính nhanh, kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nơi có thôn, tổ dân phố mới được sáp nhập, đặt tên, đổi tên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.