(HNM) - Thời gian tôi gắn bó nhất với Báo Hànộimới là vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, lúc tôi đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Khi đó, công nghệ thông tin còn chưa phát triển như bây giờ. Báo chí chủ yếu là báo in, với số lượng có hạn. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên tuy đã nhiều hơn trước, nhưng tay nghề và thâm niên chưa cao, còn thiếu những "cây bút" giỏi... Nhưng một điều không thể phủ nhận, họ là đội ngũ rất đáng tin cậy, vững vàng trên mặt trận tư tưởng - chính trị, trung thành với Đảng, được bạn đọc và nhân dân tin yêu. Chính điều này làm nên "thương hiệu" của Báo, tô đậm thêm truyền thống của báo chí Thủ đô. Nhờ đó mà đường lối, chính sách của Trung ương, của Thành ủy và chính quyền TP Hà Nội phổ cập đến người dân. Mặt khác, tờ báo còn là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, nơi tâm tư nguyện vọng, ý chí của các tầng lớp nhân dân được thể hiện.
Từ đó đến nay đã trải qua hơn 15 năm. Biết bao sự đổi thay đã diễn ra trong đời sống xã hội và hoạt động của báo chí. Đây là thời đại bùng nổ thông tin, có nhiều loại hình báo chí xuất hiện, nhất là báo điện tử. Đất nước ta và thành phố ta đang trong dòng chảy của công cuộc đổi mới với những yêu cầu cao hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu. Thế giới phẳng đã trở thành một sự thật hiển nhiên trên bình diện quốc tế và trong nước. Yêu cầu dân chủ hóa, minh bạch và công khai hóa ngày càng cao hơn và đó là một xu thế...
Báo Hànộimới đang đứng trước những câu hỏi và những vấn đề phải được trả lời. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Hànộimới ra số hằng ngày đầu tiên, những vấn đề đó nếu được bắt tay giải quyết thì có ý nghĩa rất to lớn. Ngày đó sẽ là ngày khởi đầu cho sự thay đổi mạnh mẽ. Hãy thổi tiếp luồng gió mới vào mảng thông tin đời sống xã hội Thủ đô ta.
Trong nhiều vấn đề phải giải quyết thì tôi chỉ xin nêu một vấn đề. Gần đây có người tiên đoán rằng tương lai của báo in rất mờ mịt. Thực tế không ít người đã rời xa báo in, quay sang báo điện tử. Đọc báo điện tử vừa cập nhật hóa thông tin, tiện lợi, vừa ít tốn kém. Báo Hànộimới cũng như nhiều tờ báo khác đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại. Có người nói đó là báo "quốc doanh", họ gán cho "quốc doanh" là cái gì đó trì trệ, ít đổi mới chủ đề cũng như hình thức thể hiện. Bằng việc làm, chúng ta sẽ chứng minh cho mọi người thấy những âu lo đó là không đúng. Chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới nhưng điều đó không đồng nghĩa với rời xa tôn chỉ mục đích của tờ báo, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Đó là hồn cốt, sinh mệnh của tờ báo. Nó phải chuyển tải được đường hướng, nội dung lãnh đạo của Đảng đến đảng viên và nhân dân; là cầu nối giữa Đảng và nhân dân. Điều này là bất di bất dịch, không thay đổi. Nhưng hình thức của tờ báo thì phải vô cùng phong phú, rộng đường cho sự sáng tạo, cốt làm sao không nhàm chán để ngày càng thu hút thêm bạn đọc. Tờ báo phải có nhiều tin, nhưng đó là những tin trung tâm của thời cuộc, gây chú ý của dư luận xã hội. Tin tức phải ngắn gọn, chính xác, bám sát các sự kiện xảy ra. Ngoài tin tức phải có phóng sự, điều tra, bình luận, dự báo, tổng hợp, nêu gương điển hình tập thể và cá nhân "người tốt, việc tốt", phê phán những việc làm và luận điểm sai trái, truyền đạt nghị quyết, nếu cần thiết phải có bài làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn...
Những người thực hiện chủ yếu là phóng viên, biên tập viên. Có những chuyên mục phải hợp tác với cộng tác viên. Báo phải có quy hoạch, đào tạo phóng viên, hết sức quan tâm bồi dưỡng tài năng, đầu đàn trên các lĩnh vực. Đội ngũ này là nguyên khí của tờ báo.
V.I.Lênin từng nói, đại ý: Tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, thiết thực nhất là làm tốt công việc trước mắt. Kỷ niệm 60 năm Báo Hànộimới ra số hằng ngày đầu tiên phải chăng là nhìn lại những chặng đường đã qua để bắt tay vào những công việc mới làm cho tờ báo ngày càng hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn với tư cách là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.