Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãy hướng về tương lai tốt đẹp!

Đức Tâm| 01/05/2023 07:21

(HNM) - Đã 48 năm sau ngày giang sơn thống nhất, dù vết thương chiến tranh đã được Việt Nam nỗ lực xoa dịu, hàn gắn bằng nhiều biện pháp để xây dựng đất nước phát triển; tuy nhiên, mâu thuẫn trong cuộc chiến trước đây vẫn bị một số đối tượng cố tình tìm bới, khoét sâu, nhằm mục đích xấu xa là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định xã hội.

Những biểu hiện dễ thấy là hành vi của những người ở phía bên kia... Mấy chục năm qua họ vẫn ôm hận, ngấm ngầm xây dựng phong trào “quốc hận”, dã tâm thực hiện “cách mạng trắng”, để hoàn thiện giấc mơ phục hồi chế độ Việt Nam Cộng hòa, quay về “mái nhà xưa”.

Gần đây, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đăng những bức ảnh về Sài Gòn trước năm 1975 để đối sánh rất khập khiễng với cảnh tắc đường ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Họ tỏ ra đau xót vì mất “hòn ngọc Viễn Đông”. Có người còn đăng thông tin về tính ưu việt dưới thời chế độ Sài Gòn: Học sinh được miễn học phí, được uống sữa; người dân được khám, điều trị bệnh miễn phí… và hưởng những gói an sinh xã hội khác rất tân tiến. Một số người ở chế độ Sài Gòn trước đây di tản ra nước ngoài vẫn ôm hận nên làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc để thể hiện sự tiếc nuối, đồng thời có dã tâm đả phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam với giọng điệu vô cùng cay cú, hằn học.

Lại có đối tượng còn than thở và thù hận ông chủ Nhà Trắng khi đó đã “cắt bầu sữa” viện trợ giữa lúc nước sôi lửa bỏng để họ bơ vơ, mất đi “không gian sinh tồn béo bở”, phải tha hương cầu thực nơi đất khách quê người… Điển hình trong số những người viết các “bài điếu” ai oán ấy phải kể đến vài cái tên như: Trịnh Khánh Tuấn, Kiều Vũ, Vũ Thái An, Lê Kim Anh, Lý Bích Thủy, Nguyễn Thị Hồng, Võ Thị Linh.

Kiều Vũ xót xa kêu: “Tiếc nhớ Việt Nam Cộng hòa/Nhân bản khai phóng tự do dân quyền/Một thời thịnh trị thái hòa/Viễn Đông hòn ngọc rạng ngời năm châu/“Định mệnh” nghiệt ngã thảm sầu/Chìm trong giông bão tiếng thơm mãi còn!”… Trịnh Khánh Tuấn thì viết: “Giờ đây khi tháng tư đen về, chúng tôi phải ngồi viết lại những góc khuất, những đau thương của một nước nhược tiểu về cuộc chiến vừa qua, nhằm trao lại cho các cháu hậu duệ Việt Nam Cộng hòa còn tâm huyết, để có thêm những kinh nghiệm cho con đường quang phục Tổ quốc sau này”.

Thực tế, nhân dân ta không thể quên sự tàn ác mà chế độ Việt Nam Cộng hòa đã gây ra. Những bằng chứng lịch sử đã nói lên điều ấy. Từ năm 1955 đến trước tháng 4-1975, xã hội ấy được Mỹ bơm 10 tỷ USD viện trợ kinh tế, 16 tỷ USD viện trợ quân sự và 10 tỷ USD của lính nước ngoài chi tiêu tại Nam Việt Nam, đã khiến cho kinh tế của Nam Việt Nam ngày đó như “đi ra biển lớn”. Hàng hóa tràn ngập thị trường khác hẳn với miền Bắc bị phong tỏa tứ bề và liên tục bị hải quân, không quân Mỹ đánh bom, bắn phá trong nhiều năm; trẻ em phải học dưới hầm tối tăm; bệnh viện bị rải thảm bằng bom từ máy bay B-52; nhà cửa của người dân bị tàn phá...

Trong khi đó, dù có vẻ hào nhoáng bề ngoài, xã hội miền Nam Việt Nam cũng rất hỗn tạp. Vùng nông thôn vẫn là nơi chậm phát triển, còn nơi thành thị phồn hoa đô hội thì nhan nhản tệ nạn mại dâm, xì ke, ma túy, phục vụ cho lính Mỹ và quân chư hầu. Cuộc sống của “hòn ngọc viễn Đông” hào nhoáng chỉ dành cho những người có tiền bạc, gia đình quan chức và số ít đối tượng buôn bán trong xã hội. Nhiều tài liệu đã chứng minh, xã hội của Việt Nam Cộng hòa đầy rẫy tham nhũng, tranh giành quyền lực, đảo chính. Chính quyền ấy không được lòng dân vì đã gây ra những việc bạo ngược như cuộc thanh trừng Phật giáo, đàn áp dã man các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên...

Đáng tiếc, cho đến hôm nay, nhiều người đã “quên đi bằng chứng sống”, dùng ngòi bút để tô vẽ, ca ngợi chế độ ấy một cách thái quá. Tổ chức khủng bố Việt Tân mà nòng cốt là các sĩ quan, công chức của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì tìm mọi cách lôi kéo, móc nối, xây dựng lực lượng, hướng tới mục tiêu mà chúng gọi là “phục quốc”.

Trong điều kiện thông tin bùng nổ, những luận điệu tuyên truyền không trung thực, thiếu khách quan đã tác động vào một bộ phận giới trẻ, ít nhiều gây ra hiểu lầm và dẫn đến việc họ bị tiêm nhiễm nên có hành vi vi phạm pháp luật, tàng trữ tài liệu, vật phẩm, tuyên truyền chống phá chính quyền nhân dân, chống phá Đảng. Các bản án nghiêm khắc đối với những đối tượng âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân thời gian qua là bài học nhãn tiền cho những kẻ nuôi ảo vọng chạy theo thứ dân chủ, tự do giả hiệu. Đáng chú ý hơn cả là những bản án dành cho các bị cáo là “con nhang”, “đệ tử” của tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do các đối tượng Đào Minh Quân, Phạm Lisa (quốc tịch Mỹ) cầm đầu đã chứng minh sự nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam.

Trong các tài liệu lịch sử có một chi tiết đắt giá. Đó là trong buổi gặp Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn trước khi thả họ về với gia đình, Thượng tướng Trần Văn Trà, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói: “Tôi hiểu tâm trạng của các anh, nhưng bây giờ không phải là lúc chúng ta nói về chuyện thắng thua. Cuộc chiến tranh đã kết thúc. Nước Việt Nam đã thống nhất. Nhiệm vụ trước mắt là phải tập trung kiến thiết, xây dựng đất nước bằng sức mạnh của cả dân tộc…!”.

Tiếp nối quan điểm đó, thực hiện chủ trương đổi mới, mấy chục năm qua, Việt Nam đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bằng nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Kết quả của sự nghiệp đổi mới là bằng chứng sinh động chứng minh cho hướng đi đúng đắn ấy. Đất nước Việt Nam đã và đang phát triển, luôn nỗ lực gìn giữ hòa bình, ổn định. Bởi gần 100 triệu dân Việt Nam đều hiểu sâu sắc sự tàn khốc của chiến tranh, của bom rơi đạn nổ, của chia ly và chết chóc. Bởi gần 100 triệu dân ấy chỉ có tâm nguyện được sống trong hòa bình, ổn định. Với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc và đất nước là linh thiêng và cao cả nhất.

Vì vậy, hãy thôi ai oán, hãy nhìn về tương lai tốt đẹp của Tổ quốc để hành động và ứng xử cho phù hợp với đạo lý, truyền thống yêu nước tốt đẹp của dân tộc ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy hướng về tương lai tốt đẹp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.