(HNM) - Hiện nay, lượng người tiêu dùng (NTD) trẻ chiếm khoảng 65-70% tổng nhu cầu mua sắm tiêu dùng toàn xã hội. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước chiếm lĩnh
Thanh niên mua quần áo tại một cửa hàng trên phố Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Phương Thanh
Thời gian qua, các chương trình hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn", "Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống"… đã hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong nước, góp phần đáng kể làm thay đổi tâm lý, hành vi của NTD, nhất là giới trẻ, trong việc lựa chọn và tin dùng các sản phẩm "nội". Nhờ khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là từ internet, đồng thời lại có nhu cầu mua sắm lớn, nên giới trẻ nắm bắt thông tin về thị trường nhanh hơn các nhóm NTD khác và tạo nên những làn sóng tiêu dùng. Những nhóm hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ "làn sóng trẻ" này là thời trang và phụ kiện, hóa mỹ phẩm, văn hóa phẩm và thực phẩm chế biến... Thực tế cho thấy đã có những DN nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của NTD trẻ và chiếm lĩnh được thị trường "nội" nhờ nghiên cứu và nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ, trong đó phải kể đến các thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, thời trang Nino Maxx, lụa Thái Tuấn, PT2000, Blue Exchange…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN trong nước chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lớp tiêu dùng trẻ, nên đã bỏ phí phân khúc khách hàng tiềm năng này. Đó là lý do vì sao nhiều NTD trẻ ưa hàng hiệu vẫn phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, mà không biết rằng những sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam theo đơn hàng gia công của các hãng sản xuất có tên tuổi trên thế giới, như Pierre Cardin, Nike, Levis, Lacoste… Lớp NTD trẻ có thu nhập trung bình ít có cơ hội lựa chọn hàng Việt chất lượng tốt do giá cao, mẫu mã không phong phú so với những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… Tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, như chợ đêm trên tuyến phố cổ, chợ Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân… nhất là những chợ gần các trường đại học như Đại học Thương mại, Sư phạm, Học viện Báo chí - Tuyên truyền… hầu hết quần áo được bày bán đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… với nhiều mẫu phong phú, giá phù hợp. Chỉ cần 50.000-120.000 đồng là các bạn trẻ đã chọn được những chiếc áo sơ mi, áo phông, váy, quần bò… hợp thời trang. Trong khi đó, với "hầu bao" eo hẹp, các bạn trẻ ít có cơ hội lựa chọn những sản phẩm cùng loại mang thương hiệu Việt, vì giá dao động 200.000-500.000 đồng/sản phẩm.
Vấn đề đặt ra cho DN là phải nghiên cứu, sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có giá cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ nước ngoài. Theo khảo sát, yếu tố giá chi phối 16% NTD, trong khi yếu tố thời trang, mẫu mã được 60% NTD trẻ đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để chiếm được lòng tin của NTD trẻ đối với hàng Việt, trước tiên DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, liên tục thay đổi kiểu dáng, mẫu mã để đáp ứng được yêu cầu làm đẹp của giới trẻ. Mặt khác, tính năng, công dụng và nhất là những tiện ích giá trị gia tăng của sản phẩm, chất lượng dịch vụ, không gian mua sắm, chế độ hậu mãi và thậm chí là thái độ của nhân viên bán hàng… cũng là những yếu tố quan trọng thu hút nhóm khách hàng tiềm năng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.