(HNM) - Lâu nay, cụm từ "tầm nhìn" đã xuất hiện nhiều trong các báo cáo chính trị, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương, trong quy hoạch đô thị... Và trong nhiều năm trở lại đây, khi nói về tiêu chuẩn cán bộ, người ta hay nói phải "có tâm, có tầm". Tầm ở đây là tầm nhìn.
Bến xe Mỹ Đình xây dựng năm 2004, với thiết kế 600 chuyến/ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác nó đã quá tải và cho đến nay Bến xe Mỹ Đình phải "gồng" lên để "gánh" 1.300 chuyến/ngày. Bến Mỹ Đình quá tải không chỉ khổ đơn vị quản lý, vất vả cho công tác bảo đảm an ninh, phòng chống cháy nổ, làm khổ nhà xe mà đặc biệt là khổ hành khách. Vào những ngày hè, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40oC, lại thêm mùi xăng dầu, mồ hôi người thì thật khủng khiếp. Để giảm tải bến xe này, Sở GTVT Hà Nội đã chủ trương sắp xếp lại các tuyến kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố, trong đó giảm tải cho Bến xe Mỹ Đình. Đó là việc làm cần thiết vì giảm tải cho bến này cũng có nghĩa là giảm ùn tắc cho các tuyến đường có xe khách chạy qua. Chủ trương đúng nhưng mọi chuyện chẳng dễ dàng. Tại cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp, đại diện Sở GTVT các tỉnh mới đây, ai cũng đồng ý với chủ trương đó, nhưng về thời gian thì các đại diện cho rằng phải có lộ trình, vì doanh nghiệp khi đầu tư họ tính đến sự ổn định của bến xe. Giá như những người làm công tác quy hoạch trước đây có tầm nhìn khi quy hoạch bến thì cán bộ của Sở GTVT, các công ty vận tải, hành khách... đâu phải vất vả và lo lắng. Và tại sao khi thấy các bến xe quá tải, họ không nhanh chóng đề xuất mở rộng hay xây dựng thêm bến mới? Họ có tính đến vận tải hành khách bằng ô tô chiếm hơn 90% trong các phương thức vận tải? Có tính đến xu thế ngày càng có nhiều dân nông thôn ào ra thành thị kiếm sống? Và họ căn cứ vào cái gì để quy hoạch?
Chuyện quá tải các bến xe khách chỉ là một ví dụ về chuyện thiếu tầm nhìn khi quy hoạch đô thị. Một ví dụ khác là trường học cho con trẻ. Nhẽ ra người ta phải đưa vào quy hoạch xây nhà trẻ, mẫu giáo ở nhiều khu vực dân cư mà trong tương lai sẽ đông dân, nhưng họ không làm và chỉ đến khi dân kêu họ mới cuống cuồng điều chỉnh (quy hoạch). Ai cũng biết các biệt thự cổ, biệt thự cũ có giá trị kiến trúc là di sản văn hóa của đô thị, lại càng giá trị hơn khi những biệt thự đó gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa, thế nhưng sau nhiều năm quản lý thiếu đồng bộ, chúng đã bị băm nát và bây giờ mới được phân loại bảo tồn. Song dù sao thì muộn còn hơn không. Năm 1994, kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng cho rằng, chúng ta cấp đất cho các dự án đầu tư nước ngoài, vậy tại sao không cấp đất hay bán đất giá rẻ cho dân phố cổ để giãn dân, vừa thông thoáng giao thông lại vừa bảo tồn không gian khu vực này? Đó là một câu hỏi không có lời đáp (ở thời điểm đó và kể cả sau này). Hậu quả là bây giờ, dù UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện dự án giãn dân khu vực phố cổ, nhưng kiến trúc cổ đã mất mát quá nhiều. Đó chính là do thiếu tầm nhìn đô thị.
Với kinh tế, doanh nghiệp thiếu tầm nhìn sẽ phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ, thậm chí có thể bị đào thải. Với quy hoạch đô thị, sai lầm hay thiếu tầm nhìn sẽ dẫn đến hậu quả như tình trạng "vỡ trận" ở Bến xe Mỹ Đình hiện nay; nếu lộ trình là 5 hay 6 năm nữa thì... Đừng để thế hệ con cháu phải gánh chịu hậu quả vì hôm nay chúng ta thiếu tầm nhìn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.